Du khách khi tới hạt Lincolshire, Anh thường rất thích được ghé thăm một nơi. Đó là trang viên Woolsthorpe của gia đình nhà khoa học Isaac Newton, và được tận mắt nhìn thấy cây táo nổi tiếng thế giới, gắn liền với định luật vạn vật hấp dẫn.
Cây táo nổi tiếng trong vườn nhà Newton. Nguồn: YouTube.
Cây táo này kể từ năm 1750 đã được các thế hệ trong gia đình Newton thay nhau chăm sóc và bảo vệ. Năm 1816, một cơn bão đã khiến nó bị gẫy. Tuy nhiên, nó vẫn đâm chồi, nảy lộc sau đó vì không bị bật gốc. Ngày nay, cái cây nổi tiếng này vẫn còn và được chăm sóc bởi National Trust, tổ chức bảo tồn các di sản tự nhiên, kiến trúc và lịch sử trên lãnh thổ vương quốc Anh.
Giai thoại về Newton và quả táo rơi là một trong những phiên bản nổi tiếng nhất, không chỉ trong giới khoa học mà với toàn nhân loại. Theo đó, thiên tài người Anh bị một quả táo rơi trúng đầu trong lúc đang trầm tư ngồi dưới gốc cây vào năm 1666, từ đó ông khám phá ra định luật vạn vật hấp dẫn. Thậm chí, giai thoại này còn được đưa vào nội dung sách giáo khoa của nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, theo How Stuff Works, trên thực tế Newton không bị quả táo nào rơi trúng đầu khi khám phá ra lực hấp dẫn, ông tìm hiểu về đề tài này khi mới ngoài 20 tuổi. Những phát minh của nhà thiên tài về trọng lực là kết quả của nhiều lần nghiên cứu, chứ không chỉ nhờ khoảnh khắc táo rơi trúng đầu.
Năm 1666, ông trở về ngôi nhà thời thơ ấu ở Woolsthorpe, khi đại học Cambridge, nơi ông đang theo học, tạm đóng cửa vì bệnh dịch hạch hoành hành. Ông thường đi dạo trong vườn táo.
Theo William Stukeley, người viết tiểu sử về Newton, nhà vật lý người Anh có nhắc đến cây táo và khái niệm trọng lực khi đang đi bộ cùng Stukeley trong vườn nhà và uống trà dưới bóng cây táo. Khi đó ông có chỉ vào một quả táo trên cành cây làm ví dụ, và hỏi tại sao quả táo lại rơi xuống đất khi nó rụng khỏi cành, thay vì bay ngược lên. Newton khẳng định rằng trái đất hút quả táo bằng một lực chưa được biết đến.
Cũng theo Stukeley, bản thân Newton cũng rất thích thú với giai thoại táo rơi trúng đầu mình nhiều năm sau đó. Ông cũng từng đưa ra các tình tiết về giai thoại táo rơi trúng đầu để mình họa cho lực hấp dẫn.
Newton không xác định chính xác cây táo nơi giúp ông nhận ra lực hút của trái đất. Tuy nhiên, nhiều người mặc định một cây táo sum sê nhất trong điền trang của Newton chính là cái cây nổi tiếng gắn liền với huyền thoại về một thiên tài.
Theo National Trust, cây táo Newton đang phải đối mặt nguy cơ chết dần chết mòn do ô nhiễm môi trường.
Ngoài cây táo gốc ở điền trang Woolsthorpe, người ta đã tiến hành ghép mắt và lấy hạt để tạo ra nhiều cây con, trồng ở nhiều nơi khắp nước Anh cũng như trên thế giới. Những hậu duệ của cây táo Newton đang được trồng tại trường Trinity College ở Cambridge; khu vườn nhà Bushy Housse của Phòng thí nghiệm Vật lý Quốc gia (NPL) ở Teddington, London, Anh và học viện MIT tại Mỹ...