Nói về việc phải mang lượng lớn đồ bạc trên người vào đám cưới, Guanghui Wu mỉm cười: "Mọi cô gái ở đây đều phải có một bộ trang sức bằng bạc để có thể lập gia đình. Bạn sẽ biết được mức độ giàu có của một người thông qua số bạc cô ấy đeo".
Không chỉ riêng Wu, những người phụ nữ thuộc dân tộc Miao ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc cũng rất sùng bái các món trang sức làm từ bạc. Theo quan niệm của người dân địa phương nơi đây, một người phụ nữ sẽ không còn là phụ nữ nếu cô ấy thiếu đi các món trang sức bằng bạc.
Ngoài dịp kết hôn, trong các dịp khác như đám ma hay Lễ hội mùa xuân khi các cặp đôi công khai chuyện tình cảm, các cô gái cũng đeo rất nhiều đồ trang sức. Để có được số lượng trang sức khổng lồ đó, gia đình của các cô gái đã phải chuẩn bị và thu gom chúng trong suốt 10 năm. Họ tin rằng, nếu con gái của họ có ít bạc hơn những bé gái khác thì sẽ không thể lấy nổi chồng.
Mẹ của Wu, Zilan Zhang, xuất hiện trong bộ trang phục màu xanh nhã nhặn. Cô đeo lên người khá nhiều đồ bạc: một chiếc vòng bạc cỡ lớn trên cổ, trên cánh tay là rất nhiều chiếc vòng lớn bé khác. Tuy nhiên, số bạc này "không thấm" vào đâu so với trang sức mà Wu đeo hàng ngày.
Bố của Wu, Peiyuan sinh ra ở Hồng Khê, một ngôi làng có bề dày lịch sử 100 năm trong việc chế tác đồ bạc. Giống như nhiều thợ bạc khác trong làng, cha mẹ Wu chuyển tới huyện Khải Lý để mở cửa hàng bán đồ trang sức bạc cho du khách. Trước đây, gia đình cô cũng kiếm sống bằng nghề làm trang sức bạc ở nhà và bán chúng tại chợ mỗi tuần một lần. Tuy nhiên, khi chuyển tới thành phố sinh sống, họ kiếm được nhiều tiền hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ mua được nhiều của hồi môn bằng bạc hơn cho con gái.
Ngày nay, dân số của Hồng Khê ngày càng ít đi do thanh niên đều muốn thoát ly. Trong làng chỉ còn phần lớn là trẻ em và người già. Wu cho biết, cô muốn nuôi dạy con cái tại nơi mình sinh ra và lớn lên, cũng như tiếp nối nghề truyền thống của gia đình.