Ngày 3/1, Xinhua đăng bài bình luận có tựa đề "Những phe nhóm bị tiêu diệt trong chống tham nhũng", nhắc đến phe Sơn Tây, gồm các tham quan đến từ tỉnh giàu tài nguyên than đá này. Bài bình luận cũng cho biết phe nhóm này có mối liên hệ trực tiếp đến cựu chánh văn phòng Trung ương Lệnh Kế Hoạch, người bị điều tra từ cuối tháng 12/2014.
Lệnh Kế Hoạch, cựu chánh văn phòng Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Theo New York Times, đây là lần đầu tiên cơ quan thông tấn Trung Quốc chính thức thừa nhận sự tồn tại của phe nhóm trên. Trước đó, một số cơ quan báo chí khác của nước này đã đăng tải thông tin về hội Tây Sơn, với thành viên là các quan chức ở trung ương có quê tại tỉnh Sơn Tây.
Các thành viên chủ chốt của hội Tây Sơn
Theo nhà báo La Xương Bình, phó tổng biên tập tạp chí Caijing, hội Tây Sơn được dần hình thành vào khoảng năm 2007, với thành viên gồm các quan chức quê gốc Sơn Tây là ủy viên trung ương hoặc chuẩn bị được đưa vào cơ quan quyền lực cao nhất này của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhà báo La là một trong những người đầu tiên công khai tố giác hành vi tham nhũng của cựu phó chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Lưu Thiết Nam, một thành viên của hội Tây Sơn. Lưu đã bị tuyên án chung thân vì nhận hối lộ gần 6 triệu USD.
Theo đó, Lưu Thiết Nam thông qua mối quan hệ của vợ là Quách Tĩnh Hoa, làm thân được với Lệnh Kế Hoạch, trung tâm của hội Tây Sơn. Năm 2007, Lệnh được bầu vào Ban bí thư Trung ương đảng, đứng đầu Văn phòng Trung ương Đảng, cơ quan phụ trách an ninh, công văn và sự vụ thường nhật cho giới lãnh đạo cao nhất Trung Quốc.
Chính Lệnh Kế Hoạch là người giới thiệu Lưu Thiết Nam gia nhập hội, bởi Lưu quê ở huyện Kỳ thuộc tỉnh Sơn Tây, còn Lệnh quê tại huyện Bình Lục. "Ai được phép gia nhập hội Tây Sơn, đồng nghĩa với việc có vé vào thang máy của hệ thống quyền lực", nhà báo La bình luận.
Theo Ifeng, các thành viên của hội Tây Sơn cứ ít nhất ba tháng một lần lại tụ họp với nhau. Địa điểm là tại các hội quán xa hoa ở khu vực núi Tây Sơn, ngoại ô phía tây thủ đô Bắc Kinh. Mỗi lần tụ họp, các thành viên đều được xe đưa đón, nhưng không được mang theo điện thoại, thư ký hay bất kỳ đối tượng không liên quan nào khác.
Ngoài thành viên là các quan chức cấp cao quê Sơn Tây đang công tác tại Bắc Kinh, chỉ một số ít thương nhân đồng hương được phép trả tiền cho các hoạt động của hội kín này. Trong đó, nổi tiếng nhất là nữ thương nhân Đinh Thư Miêu, quê ở Tấn Thành, Sơn Tây. Đinh Thư Miêu còn có tên là Đinh Vũ Tâm, đã bị tuyên án 20 năm tù và phạt hơn 400 triệu USD vì môi giới hối lộ cho các quan chức cấp cao, đặc biệt là cựu bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân.
Thông qua mối quan hệ với Lệnh Kế Hoạch tại hội Tây Sơn, năm 2008, Đinh đứng ra tài trợ tổ chức Liên hoan giới thư ký tại Bắc Kinh, với các khách mời là hơn 400 các quan chức đã hoặc đang đảm nhiệm vị trí thư ký riêng cho các lãnh đạo cấp cao.
Tuy nhiên, vận mệnh chính trị của Lệnh Kế Hoạch và hội Tây Sơn đã thay đổi hoàn toàn sau vụ tai nạn dẫn đến cái chết của Lệnh Cốc, con trai duy nhất của Lệnh, hồi tháng 3/2012. Vụ tai nạn xảy ra vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm trên chính trường Trung Quốc, khi nước này đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18 vào tháng 11 và chỉ hai ngày sau khi cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai bị miễn chức. Nửa năm sau, Lệnh bị điều sang Ban Mặt trận Thống nhất trung ương, cơ quan có tầm ảnh hưởng nhỏ hơn.
Ngay trước thềm Đại hội 18, Lệnh từng ba lần đứng ra tổ chức các bữa tiệc, với khách mời bao gồm cả thành viên hội Tây Sơn và các quan chức thuộc các tỉnh khác. Tại đại hội, Lệnh Kế Hoạch vẫn tái cử chức ủy viên trung ương và được bầu là phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung ương Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong chiến dịch chống tham nhũng sau Đại hội 18 của Chủ tịch Tập Cận Bình, một loạt quan chức tỉnh Sơn Tây và thành viên hội Tây Sơn bị điều tra. Ngày 22/12/2014, bản thân Lệnh Kế Hoạch bị điều tra do bị nghi ngờ "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng", cụm từ thường được dùng để ám chỉ cáo buộc tham nhũng.
Xem thêm: Những vây cánh bị chặt của "hổ lớn" Lệnh Kế Hoạch
Hổ phụ sinh hổ tử
Hiện trường vụ tai nạn dẫn đến cái chết của con trai Lệnh Kế Hoạch. Ảnh: SCMP |
Theo Wall Street Journal, khi xảy ra vụ tai nạn siêu xe, Lệnh Cốc đang học cao học tại Học viện Giáo dục thuộc Đại học Bắc Kinh, một trong các trường đại học danh giá nhất Trung Quốc. Trước đó, Lệnh Cốc là sinh viên Học viện Quan hệ Quốc tế khóa 2007-2011 của trường này. Tên giả mà Lệnh dùng tại trường là Vương Tử Vân.
Những ngày đầu đi học, Lệnh Cốc rất kín đáo, chỉ tiết lộ với một số ít bạn thân về gia thế của mình, nhưng không lâu sau bạn cùng lớp đều biết Lệnh xuất thân từ gia đình quyền thế.
"Cậu ấy mặc toàn hàng hiệu, sống ở nhà riêng chứ không ở ký túc xá", WSJ dẫn lời một bạn học giấu tên của Lệnh Cốc cho biết. Một người bạn khác thì cho hay, Lệnh từng khoe rằng mình có khoản thu lớn từ một quỹ đầu tư của một người bạn của bố. "Cậu ấy đúng là có rất nhiều tiền, có nhiều bạn thuộc tầng lớp tinh hoa", người này nói.
Trong thời gian học đại học, Lệnh Cốc từng thành lập một câu lạc bộ ngầm, lấy ý tưởng từ hội Đầu lâu và Xương chéo (Skull and Bones) của trường Đại học Yale. Đây được cho là hội kín có sức ảnh hưởng rộng lớn với các thành viên thuộc tầng lớp tinh hoa học tại Yale.
Do quy định không được phép thành lập hội kín, Lệnh Cốc đặt tên cho câu lạc bộ của mình là Hội đồng nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Tại đây, Lệnh mời các bạn học cùng chung gia cảnh hoặc có thành tích học tập đặc biệt xuất sắc gia nhập.
Lệnh Cốc còn có một nhóm bạn khác cũng thuộc các gia đình thương nhân và quan chức lớn, thường xuyên đua xe với nhau. Trong đó có Lưu Đức Thành, con trai của Lưu Thiết Nam. Nhóm thanh niên này thường xuyên trao đổi siêu xe với nhau hoặc trực tiếp mượn từ đại lý để đi thử.
Rạng sáng ngày 18/3/2012, một chiếc Ferrari màu đen chạy với tốc độ cao, đâm vào hàng rào đường vành đai số bốn tại Bắc Kinh. Người điều khiển phương tiện là Lệnh Cốc, chết ngay tại chỗ. Hai cô gái ngồi trên xe bị thương nặng.
Theo New York Times, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Lệnh Kế Hoạch lập tức điều động người của Cục Cảnh vệ Trung ương, cơ quan phụ trách an ninh cho giới lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, phong tỏa hiện trường. Hai cô gái được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Báo Caixin cho hay, sau vụ tai nạn, Lệnh Kế Hoạch và Chu Vĩnh Khang đã đạt được các thỏa thuận liên minh chính trị. Theo đó, Chu giúp Lệnh che giấu vụ tai nạn có thể ảnh hưởng đến đường thăng tiến của Lệnh. Còn Lệnh phải đảm bảo, các cuộc điều tra xoay quanh cựu ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai không liên lụy đến Chu và gia đình. Chu khi đó là ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, phụ trách hệ thống công an, anh ninh và tư pháp.
Người thân của hai cô gái này đã nhận được hàng chục triệu nhân dân tệ từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (CNPC). Tổng giám đốc CNPC khi đó là Tưởng Khiết Mẫn, thuộc hạ thân tín của Chu.
Tuy nhiên, vụ việc không giấu được lâu. Một quan chức Trung Quốc giấu tên cho biết, trong một hội nghị bàn về vấn đề nhân sự của nhiệm kỳ tới hồi tháng 7/2012, vụ việc của Lệnh được đưa ra thảo luận.
"Khi thảo luận về vấn đề nhân sự cho nhiệm kỳ mới, các đồng chí cựu lãnh đạo đã nêu ra vấn đề này", quan chức này nói. "Họ nói người lãnh đạo phải biết tuân thủ kỷ luật đảng, vì thế người này (Lệnh Kế Hoạch) không đủ tư cách vào Bộ Chính trị".
Đức Dương