Theo bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, nhiều người thường nghĩ rằng chiều cao của một đứa trẻ được di truyền hoàn toàn từ cha mẹ. Trên thực tế có nhiều cặp vợ chồng chiều cao "khiêm tốn" nhưng sinh ra những đứa con cao vượt trội, có khi đến 1,8 m. Điều đó chứng tỏ gene chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của một người.
Những hạn chế về di truyền chiều cao có thể được cải thiện rõ rệt nhờ 3 yếu tố sau:
Dinh dưỡng đúng
Trẻ cung cấp đầy đủ và cân đối nhu cầu dinh dưỡng trong từng giai đoạn phát triển. Muốn trẻ cao lớn, chế độ ăn phải bảo đảm đủ năng lượng và các dưỡng chất hỗ trợ tăng trưởng chiều cao như đạm, canxi, kẽm, sắt, iốt, vitamin A, D, E…
Trẻ ở giai đoạn bào thai, người mẹ cần được cung cấp dinh dưỡng đủ về số lượng, cân đối về chất lượng để có thể tăng từ 10 đến 12 kg trong suốt thai kỳ. Bổ sung thêm đạm, sắt và canxi, những dưỡng chất giúp tạo tế bào, mô, máu và xương cho thai nhi.
Nghiên cứu cho thấy, trong 3 năm đầu đời nếu trẻ được chăm sóc dinh dưỡng tốt sẽ tạo nền tảng để phát triển tốt khi trưởng thành.
Giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì là cơ hội cuối cùng cho sự phát triển tầm vóc của trẻ. Lúc này chế độ dinh dưỡng phải bảo đảm đầy đủ các chất đạm, canxi, sắt, kẽm trong bữa ăn. Trẻ càng lớn càng không có thói quen uống sữa. Nhiều bé xu hướng chỉ thích ăn thịt. Thói quen này không tốt bởi thịt không phải là nguồn cung cấp canxi. Càng ăn nhiều thịt càng sinh protein làm rối loạn cân bằng toan - kiềm, canxi, ảnh hưởng xấu đến quá trình cốt hóa. Đối với trẻ em, sữa và chế phẩm từ sữa mới là nguồn protein và canxi cân đối.
Lưu ý: Giai đoạn từ 4 đến 10 tuổi và sau tuổi dậy thì cơ thể trẻ vẫn tiếp tục phát triển tuy không vượt trội bằng 3 giai đoạn trên nhưng không kém quan trọng để đạt chiều cao tối ưu.
Vận động hợp lý
Tùy theo độ tuổi, trẻ cần có những bài tập, thời gian tập thích hợp. Vận động hỗ trợ trẻ cao lớn, ngăn ngừa bệnh thừa cân béo phì.
Ngủ đúng
Hormone tăng trưởng tiết ra vào ban đêm khi ngủ say giúp bé cao lên với điều kiện ngủ sớm trước 22h. Thông thường một đứa trẻ nên ngủ đủ giấc, trên 8 giờ mỗi ngày. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thời gian ngủ càng dài hơn, trung bình từ 12 đến 14 giờ.