"Tôi không muốn lúc tôi chết, bị đứa con trai duy nhất đưa về Hà Nội lo hậu sự. Nó sẽ thiêu hay chôn, tôi cũng không biết được", cụ ông vừa lặn lội 80 km về Hà Nội chia sẻ. Sức khỏe không được tốt nhưng lời nói của ông vẫn rành mạch.
Ông Quang chia sẻ với luật sư, vợ chồng ông chỉ có có một người con, hiện là chủ một doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, hai cha con như "nước với lửa", không thể sống chung. Buồn bực vì con, khoảng hai chục năm trước ông chuyển về sống trong nhà vườn ở Hưng Yên, còn vợ vẫn ở lại nhà ở quận Đống Đa.
Những năm trước ông Quang còn đi lại được, mỗi lần ông muốn đến thăm cháu thì con trai lẫn con dâu đều không nghe điện thoại, thậm chí giấu địa chỉ nhà để ông không tìm tới được.
Sự bất hòa của hai cha con âm ỉ nhiều năm, song vẫn chưa có gì quá đáng cho đến sau Tết năm 2020. Ông Quang định bán ngôi nhà mặt phố rộng 150 m2 để cho con trai một phần, một phần cho em gái và cháu, một phần làm từ thiện. Nhưng dự định này vấp phải sự phản đối kịch liệt của vợ chồng người con.
Vì không đồng thuận với một số điều khoản trong di chúc nên con trai tìm nhiều cách ngăn cản như giữ sổ đỏ, sổ hộ khẩu, hạn chế bà gặp ông. "Có lần ông cụ phải nhờ tổ trưởng dân phố đóng kịch gọi bà đến nhà để có thể nói chuyện điện thoại với nhau", luật sư Lê Hồng Hiển, hãng luật Lê Hồng Hiển và cộng sự, kể.
Sự việc căng thẳng khiến ông Quang "muốn làm đơn từ con, trả nhà lại cho Nhà nước", chứ không để tài sản lại cho người con.
Nghĩ vậy nhưng ông vẫn cho rằng "làm rùm beng sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của con". Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông tìm đến luật sư đề nghị tư vấn "làm cách nào để lập được di chúc khi thiếu nhiều giấy tờ quan trọng".
Luật sư Hiển đã tư vấn cho ông Quang làm di chúc có điều kiện. Người con trai sẽ được hưởng một nửa tài sản với điều kiện không được can dự vào đám tang của ông. Người cháu họ sẽ được hưởng một nửa với điều kiện lo hậu sự cho ông. Trường hợp người con cố tình đưa cha về làm ma chay thì đã vi phạm di chúc, sẽ không được hưởng một nửa ngôi nhà nữa.
"Ông cụ chỉ muốn tổ chức một tang lễ nhỏ ở quê, do người cháu đứng ra chủ trì. Chúng tôi không phán xét ai đúng ai sai nhưng khi cụ đã tìm đến chúng tôi trình bày tâm nguyện này, chúng tôi sẽ giúp cụ làm đến cùng", vị luật sư chia sẻ.
Trong hơn 10 năm làm nghề, đây là khách hàng lớn tuổi nhất và câu chuyện di chúc ám ảnh nhất mà anh Hiển từng tiếp nhận.
Nhưng ông Quang không phải là trường hợp duy nhất lập di chúc "trong sự ấm ức" với những đứa con. Cuối năm 2020, ông Lương Vũ Mạnh, 60 tuổi, đã tìm đến Hãng luật Gia đình (TP HCM) với mong muốn tương tự.
Ông Mạnh làm nghề kinh doanh vật liệu xây dựng nhiều năm nên kinh tế khá tốt. Năm 2008, vợ ông qua đời. Sau vài năm ông đi bước nữa và có thêm một người con. Các con của vợ cũ không chấp nhận mẹ kế và đứa em cùng cha khác mẹ.
Mối quan hệ cha con căng thẳng nhiều năm dẫn đến việc ông Mạnh đi lập di chúc để lại toàn bộ gia sản cho vợ mới và con chung. "Người cha muốn dùng di chúc này gây áp lực để các con chấp nhận vợ mới và con mình. Ông ấy cũng nói nếu sau này các con chấp nhận thì sẽ thay đổi nội dung di chúc", luật sư Trần Minh Hùng, trưởng Hãng luật Gia đình, chia sẻ.
Trước nguyện vọng của thân chủ, luật sư phân tích, những người con của vợ cũ đã trên 18 tuổi và đủ năng lực hành vi dân sự nên theo luật pháp, các con nếu không đồng ý có thể yêu cầu Tòa án hủy bỏ di chúc này. Người vợ đầu qua đời, chưa khai thừa kế thì ông Mạnh không thể định đoạt toàn bộ tài sản được.
Sau khi nghe tư vấn của luật sư, ông Mạnh chấp nhận chia tài sản theo hàng thừa kế thứ nhất. Tức ba con sẽ được hưởng phần thừa kế của người mẹ đã mất, mỗi người một phần bằng nhau.
"Nếu mọi người lập di chúc sớm, cảnh xào xáo, tranh chấp giữa những người thân sẽ ít xảy ra hơn do quyền lợi và trách nhiệm đã được xác định rõ ràng", luật sư Lê Hồng Hiển nhận xét và cho biết, năm 2020, văn phòng ông đã tiếp nhận 40 vụ việc kiểu như của ông Quang và ông Mạnh.
Pháp luật Việt Nam có những quy định bảo đảm quyền tự định đoạt tài sản của mỗi cá nhân nhưng không phải người cha, người mẹ nào lập di chúc cũng để lại 100% tài sản cho con. "Dù là dưới góc nhìn của luật sư hay của người bình thường, tôi cảm thấy những người cha người mẹ đã suy nghĩ rất kỹ. Nếu con cái có thể tự lập, không lý do gì ngăn cản họ để lại di sản của mình cho các công việc mà họ cảm thấy ý nghĩa. Kể cả khi con cái không quá sung túc, cha mẹ cũng không để lại toàn bộ di sản cho con vì không muốn con cái có tâm lý dựa dẫm", luật sư Lê Hồng Hiển chia sẻ.
Đối với những trường hợp hi hữu như cha mẹ để lại tài sản cho người tình hay con riêng, đã có quy định về thừa kế theo pháp luật để bảo vệ quyền lợi của những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất.
Tuy nhiên, theo luật sư Hiển, người dân nên lập di chúc sớm, thể hiện được ý chí nguyện vọng của mình để người thân thực hiện sau khi mình chết và cũng là cơ sở cho việc phân chia tài sản để lại một cách nhanh chóng, tránh những tranh chấp phát sinh giữa người thân.
Lời khuyên của luật sư Trần Minh Hùng khi lập di chúc:
- Khi còn sống, nếu cha mẹ để lại tài sản cho ai thì nên lập di chúc để định đoạt, tránh khi chết có thể phát sinh tranh chấp.
- Vợ chồng nên lập di chúc riêng, không nên lập di chúc chung.
- Di chúc chỉ có hiệu lực khi người lập di chúc chết nên có thể sửa đổi, thay đổi, bổ sung, hủy bỏ bất cứ lúc nào.
- Khi lập di chúc nên ghi cụ thể và chỉ định trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của người được chỉ định trong di chúc cụ thể tránh tranh chấp về sau.
- Di chúc lập nên được công chứng, khám sức khỏe, giấy tờ hợp lệ và nên nhờ các luật sư uy tín chuyên về di chúc tư vấn và hướng dẫn cụ thể tránh rủi ro và tranh chấp về sau.
Phan Dương
* Thông tin một số nhân vật đã thay đổi