Kèm theo bài viết khoe đám cưới khác thường của mình là hình ảnh cô dâu chú rể tay trong tay, tươi cười với gia đình và bạn bè... qua màn hình điện thoại. Còn chú rể Trần Văn Quan, 31 tuổi, giải thích về ý tưởng tổ chức đám cưới trực tuyến qua ứng dụng Zoom của mình: "Tôi muốn vợ mình thấy rằng, dù không thể tổ chức hôn lễ hoành tráng cùng bạn bè và gia đình, chúng tôi vẫn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ theo cách riêng".
Khánh Thi và Văn Quan cho biết, lễ dạm ngõ và thủ tục đăng ký kết hôn của họ đã làm từ tháng 5, đám cưới và tiệc đãi khách dự định tổ chức ngày 17/7 với khoảng 200 khách mời. Nhưng gần đến ngày cưới thì dịch Covid-19 bùng phát tại TP HCM, kèm theo đó là các chỉ thị giãn cách rồi phong tỏa. Thấy tình hình ngày càng phức tạp, họ có ý định hoãn tiệc cưới để chờ hết dịch, nhưng sức khỏe bà nội chú rể ngày một yếu, nếu hoãn cũng không biết đến bao giờ nên cả hai vẫn quyết định tổ chức đúng ngày.
Để tiện cho đám cưới online, vài ngày trước Quan đã chuyển đến nơi ở của Thi ở quận 9 để chuẩn bị. Họ cùng nhau dọn dẹp và trang trí nhà cửa, mua hoa quả, bánh trái đặt lên bàn thờ. Hai người cũng tự tạo phông cưới bằng cách dán chữ hỉ mua sẵn lên rèm cửa phòng khách, đặt thêm nhang, đèn cầy... nhưng đồ không được chuyển đủ vì việc giao nhận trong giai đoạn này rất khó khăn.
Đám cưới của cặp đôi cũng không có hoa cưới vì không còn nơi nào nhận bán. Thiệp chỉ được tạo sẵn trên phần mềm rồi gửi email thông báo tới từng người tham dự online vào ngày hôm sau.
"Tôi dự định tổ chức một đám cưới đơn giản, chỉ diễn ra 10 phút, kiểu như báo cáo với gia đình. Không ngờ khi nói ra kế hoạch này, hai vợ chồng nhận được quá nhiều sự quan tâm", Khánh Thi nói. Đến giờ cô vẫn bất ngờ vì tình cảm nhận được từ gia đình và bạn bè.
Cô dâu mới cho biết, ban đầu hai vợ chồng không hình dung nổi đám cưới sẽ diễn ra như thế nào bởi không có kịch bản cụ thể, cũng chẳng ai có kinh nghiệm. Hai người ngại không dám mời đông bà con họ hàng vì sợ lên hình bối rối. Bởi vậy họ chỉ thông báo đám cưới cho người thân trong gia đình trước đó một ngày.
Nhận được tin về đám cưới, cô em gái Bảo Khánh đùa rằng: "Không bất ngờ không phải chị tôi". Cô gái này cho hay, gia đình hai bên ở khắp nơi như Đà Nẵng, Huế, TP HCM, Tiền Giang... tức tốc thực thi kế hoạch với sự háo hức.
"24 giờ chuẩn bị một lễ gia tiên online nhưng đầy đủ tình yêu thương. Nhà nào có bàn thờ, chuẩn bị bàn thờ. Có niềm vui chuẩn bị niềm vui. Có quà cưới thì cất đó, hẹn gặp trao sau", Bảo Khánh chia sẻ về đám cưới chị ruột. Nhà người dì ở quận 12 - nơi để bàn thờ ông bà ngoại - xôi lạc, chè đậu xanh, gà luộc, chả lụa, bánh chưng, trái cây ... được chuẩn bị đầy đủ thắp hương báo cáo tổ tiên. Quê nội ở quận Gò Vấp do cũng bị giãn cách nên mọi đồ cúng đều được lấy từ vườn nhà. Tất cả đều chuẩn bị chu đáo cho một đám cưới mà người lớn tuổi trong nhà nói rằng: "Chưa bao giờ được chứng kiến trong đời".
Đúng ngày cưới, Khánh Thi mặc áo dài, tự trang điểm, làm tóc, đeo mấn. Cô dâu lo lắng việc dán mi giả vì chưa bao giờ tự làm, sợ xấu nhưng may mắn lên hình vẫn ổn. Chú rể mặc comple ngay ngắn, được giao nhiệm vụ lo khâu kỹ thuật để kết nối với người thân hai họ ở những nơi khác nhau.
Tại "lễ đường", người khách duy nhất được dự là cô bạn ở chung tầng với cô dâu. Cô gái này được giao nhiệm vụ làm host (người chủ trì) đám cưới qua Zoom, tắt mở mic dựa theo tình huống phát sinh lúc đó, kèm thêm nhiệm vụ chụp hình cho cô dâu, chú rể suốt buổi lễ.
Đêm trước chuẩn bị hôn lễ, tòa nhà của cô dâu, chú rể bị phong tỏa vì có một ca dương tính, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Tất cả đều rất khác biệt với những gì cặp đôi từng hình dung về một đám cưới với ngập tràn hoa nến, những cái ôm nhiều nước mắt kèm tiếng cụng ly rôm rả.
Gần 20 khách mời bao gồm người nhà và bạn bè - thông qua nền tảng trực tuyến - cùng chứng kiến đôi trẻ vái lạy tổ tiên hai bên và trao nhẫn cho nhau. Mọi người đều ăn mặc lịch thiệp, gửi những lời chúc phúc và hẹn trao quà cưới sau khi dịch bệnh kết thúc.
"Bạn bè và gia đình ai cũng thương hai vợ chồng. Người chuẩn bị sẵn quà, người gửi thức ăn tới vì sợ cô dâu chú rể hết đồ do bị phong tỏa", Khánh Thi chia sẻ.
Đám cưới qua mạng, cặp đôi này không còn lo lắng về việc sắp xếp vị trí khách mời sao cho hợp lý, cỗ cưới thế nào cho ngon, tiếp khách thế nào cho niềm vui trọn vẹn. Thay vào đó, họ chỉ lo... rớt mạng.
Có thời điểm cô bạn cô dâu không nghe thấy ba ruột Thi đang phát biểu nên tắt nhầm mic, khiến ông chưng hửng. Ở quê của Văn Quan không có wifi, phải sử dụng 4G nên lúc ba mẹ chồng đang chúc phúc lại bị thoát ra ngoài. Rồi chú rể quên bài, đứng như trời trồng, lắp bắp không thành tiếng khiến mọi người cười ồ.
Dù phát sinh sự cố nhưng hôn lễ diễn ra vẫn rất ấm áp, vui vẻ. "Tôi thực sự cảm nhận được quá nhiều yêu thương từ gia đình", Khánh Thi xúc động. Vắng mặt cả nhà trai và nhà gái nhưng từ khi biết tin hai họ thường xuyên liên lạc động viên nên cô dâu cũng đỡ tủi thân.
Điều tiếc nuối nhất của hai người là không có thời gian lên kịch bản rõ ràng và không mời được hết họ hàng tham gia. Tổ chức xong xuôi, Thi mới vỡ lẽ hoàn toàn có thể mời đông người cùng dự.
Trước đây, hai vợ chồng từng có ý định thuê một căn nhà mới gây dựng tổ ấm sau đám cưới, nhưng kế hoạch bị hủy vì dịch bệnh. Hiện tại, cả hai tạo ra niềm vui riêng bằng cách tập thể dục thường xuyên, nấu những bữa ăn nóng hổi hay cắt tóc cho nhau khi chẳng thể ra ngoài.
Dù gia đình hai bên đều mong khi dịch bệnh chấm dứt sẽ tổ chức lại tiệc mừng lớn hơn nhưng cả Khánh Thi và Văn Quan nghĩ có cũng được, không có cũng chẳng sao.
"Điều quan trọng nhất là chúng tôi đã về chung một nhà và biết cố gắng nhiều hơn cho tương lai. Đám cưới dù lớn hay nhỏ thì cùng chung ý nghĩa là hạnh phúc", cô dâu mới nói.
Hải Hiền