Mỗi vết chân dài 10 cm, rộng khoảng 7,5 cm và cách nhau 20-40 cm, xuất hiện tại 30 địa điểm trên khắp hạt Devon, Anh. Những vết này tạo thành một đường đi liền mạch, băng qua cả những mái nhà, đống cỏ khô, cánh đồng, dòng sông, các bức tường cao và thậm chí có cả trong những đường ống hẹp chỉ khoảng 10 cm. Tất cả dấu vết được báo cáo có tổng chiều dài hơn 160 km.
Tin tức nhanh chóng lan truyền, làm dấy lên đồn đoán rằng "quỷ dữ" đã đi qua hạt Devon vào đêm trước. Một bài báo tại thời điểm đó viết rằng người dân "phát hiện dấu chân của loài động vật kỳ lạ và bí ẩn ở vô số nơi, ngay cả trong những khoảng sân kín cổng cao tường".
Những bản vẽ dấu vết bí ẩn trên tuyết xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1950, nằm trong bức thư một số linh mục viết cho Henry Thomas Ellacombe, cha xứ tại làng Clyst St George phía đông Devon, để kể chi tiết về hiện tượng này. Hình dạng vết chân cũng được minh họa trong một lá thư gửi cho tờ Illustrated London News.
"Dấu vết hằn rất mỏng trên tuyết, ban đầu khiến mọi người tưởng là vết móng lừa, căn cứ vào kích thước. Tuy nhiên, thay vì những bước chân phải và trái nối tiếp nhau như cách mọi loài động vật bước đi, dấu vết trên tuyết chỉ có một hàng duy nhất. Thêm vào đó, dấu vết tại mọi khu vực đều có kích thước và khoảng cách bằng nhau", lá thư có đoạn, phỏng đoán thêm rằng dấu vết giống của động vật hai chân hơn là 4 chân.
Cư dân Devon những ngày sau đó sợ hãi đến mức tránh ra ngoài đường sau nửa đêm. Tuy nhiên, những người không tin vào ma quỷ cho rằng hiện tượng này trên thực tế chưa từng xảy ra hoặc đây chỉ là trò lừa bịp. Một số người khác đặt ra các giả thuyết về nguyên nhân xuất hiện dấu vết.
Mike Dash, nhà sử học, nhà nghiên cứu nổi tiếng người Xứ Wales, nhận định các vết chân không thuộc về một nguồn duy nhất mà do nhiều con vật tạo thành. Theo ông, hầu hết chúng có thể được tạo ra bởi những con vật 4 chân như lừa, ngựa lùn và một số nơi là dấu vết của chuột đồng đuôi dài. Tuy nhiên, vào giai đoạn cuối của công trình nghiên cứu, Dash thừa nhận không phải tất cả dấu vết đều có thể giải thích được, khiến sự việc tiếp tục là bí ẩn.
Mặc dù vậy, Dash khá chắc chắn một số vết là dấu chân chuột, lưu ý thêm rằng chuột đồng đuôi dài có vết chân khá giống với động vật có móng. Giả thuyết này cũng được đề cập trong bài báo của Illustrated London News hồi tháng 3/1855.
Tiểu thuyết gia người Anh Geoffrey Household nêu quan điểm khác, liên quan đến một khinh khí cầu thử nghiệm bị thả nhầm từ xưởng đóng tàu Devon. Theo ông, hai chiếc cùm gắn vào dây neo của khinh khí cầu liên tục chạm xuống nền tuyết đã tạo ra dấu vết. Household nghe được câu chuyện về khinh khí cầu từ Major Carter, người có ông làm việc tại xưởng đóng tàu vào thời điểm đó.
Carter cho biết sự cố bị che đậy bởi khinh khí cầu làm hỏng một số nhà kính và cửa sổ trước khi rơi xuống gần thị trấn Honiton. Chiếc cùm có hình dạng gần như trùng khớp với các vết chân. Tuy nhiên, giả thuyết này vẫn bị nhiều người phản đối bởi khinh khí cầu khó có thể đi theo hành trình ngẫu nhiên như vậy, dây neo cũng rất dễ bị mắc kẹt trên cây hoặc vướng các chướng ngại vật khác.
Giả thuyết khác được nhà sinh vật học Richard Owen đưa ra vào tháng 7/1855, cho rằng những con lửng đói kiếm ăn ban đêm đã tạo ra các vết chân. Ông giải thích rằng con lửng đặt bước chân sau vào đúng vị trí của chân trước nên khiến mọi người nhầm đây là dấu của động vật hai chân. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là các dấu vết không được chụp ảnh lại, nên giới chuyên gia không tận mắt nhìn thấy chúng mà chỉ phỏng đoán dựa trên mô tả.
Một ý kiến được đề cập nhiều lần là toàn bộ câu chuyện xuất phát từ hiện tượng rối loạn phân ly tập thể, nghĩa là người dân hạt Devon có khả năng đã nhìn thấy nhiều dấu chân động vật khác nhau, nhưng đều không nhận ra và tưởng rằng tất cả giống nhau.
Tới nay sự thật về "dấu chân quỷ" vẫn là một trong những bí ẩn lâu đời nhất tại hạt Devon và nổi tiếng toàn thế giới. Những câu chuyện tương tự từng xảy ra ở nhiều nơi khác, nhưng không có trường hợp nào các dấu vết xuất hiện nhiều như đêm tháng 2/1855 ở Devon.
Ánh Ngọc (Theo Vintage News, Devon Live, BBC)