Nhà văn Anh Agatha Christie được mệnh danh là "nữ hoàng trinh thám" với hơn 60 tiểu thuyết ở thể loại này. Năm 2018, sách kỷ lục Guinness ghi nhận Christie là tiểu thuyết gia ăn khách nhất mọi thời đại. Nhiều tác phẩm của bà đã được chuyển thể thành phim như Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông, Án mạng trên sông Nile, Chuyến tàu 16h50.
Christie sinh năm 1890 trong một gia đình trung lưu khá giả ở Devon, Anh. Năm 1914, Christie kết hôn với đại tá Archibald và có một con gái. Gia đình sống tại Sunningdale, vùng nông thôn cách London khoảng 50 km.
Tháng 8/1926, Archibald đòi ly dị vợ vì ông có nhân tình là Nancy Neele. Ngày 3/12/1926, hai người cãi nhau khi Archibald thông báo ông sẽ đi chơi cuối tuần với bạn bè nhưng không cho vợ đi theo.
Tối đó, Christie hôn con gái Rosalind, 7 tuổi, chúc cô bé ngủ ngon rồi lái ôtô rời đi. Không ai biết bà đi đâu. Vụ biến mất của nữ tiểu thuyết gia gây xôn xao dư luận. Vào thời điểm này, Christie đã là một nhà văn tiếng tăm với các tác phẩm như Kẻ thù bí mật và Án mạng trên sân golf.
Một cuộc tìm kiếm quy mô lớn được triển khai với sự tham gia của hàng nghìn cảnh sát và nhân viên dân sự. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Anh, máy bay được triển khai để tham gia tìm kiếm người mất tích.
Ngày 4/12/1926, cảnh sát phát hiện xe của bà bị bỏ lại gần Guildford bên cạnh một mỏ đá, bánh trước bị long ra. Tin tức về nữ nhà văn xuất hiện trên trang nhất của báo Mỹ New York Times ngày 6/12.
Sau ba ngày tìm kiếm, cảnh sát cho biết anh rể của Christie nhận được một lá thư từ bà, nói rằng bà đến một spa ở Yorkshire để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, giới chức cảm thấy bức thư không đủ sức thuyết phục. Họ tập trung vào giả thuyết bà đã tự tử tại một cái ao gần nơi chiếc xe bị bỏ lại được gọi là "Ao Im lặng". Tương truyền ao này không có đáy và hai đứa trẻ từng chết đuối ở đây.
New York Times dẫn lời một người bạn của Christie nói rằng bà sợ hãi chính ngôi nhà của mình. Bà mô tả con đường dẫn vào nhà bị ma ám vì đây là nơi một phụ nữ từng bị giết và một người đàn ông từng tự tử. "Christie nói 'nếu tôi không rời Sunningdale sớm, Sunningdale sẽ là dấu chấm hết của tôi", người bạn kể.
Một tuần sau khi Christie biến mất, cảnh sát cho biết trước khi rời khỏi nhà, Christie đã viết ba lá thư. Lá thư thứ nhất gửi cho thư ký, trong đó có câu "Tôi phải rời đi thôi, tôi không thể ở lại Sunningdale thêm nữa".
Lá thư thứ hai dành cho anh rể còn lá thư cuối cùng gửi cho chồng. Archibald từ chối tiết lộ nội dung, cho biết nó chỉ nói về vấn đề riêng tư. Hai lá thư này đều bị đốt. Nhiều người truyền nhau tin đồn rằng Christie để lại một phong thư niêm phong, chỉ được mở ra nếu thi thể của bà được tìm thấy. Một số người còn nghi ngờ bà đã bị chồng giết.
Cảnh sát cố gắng tìm kiếm manh mối từ bản thảo cuốn sách "Bí mật chuyến tàu xanh" mà Christie đang viết. Một số người cho rằng vụ mất tích là chiêu trò truyền thông để gây sự chú ý nhằm quảng bá sách mới. Thư ký riêng của nhà văn kịch liệt bác bỏ giả thuyết này, gọi nó là "nực cười", khẳng định Christie không bao giờ làm điều đó.
Ngày 13/12/1936, khoảng 10.000-15.000 tình nguyện viên tham gia tìm kiếm gần nơi phát hiện xe của bà, mang theo nhiều chó đánh hơi. Các đồng nghiệp của nhà văn cũng nhập cuộc. Arthur Conan Doyle, tác giả nổi danh với nhân vật Sherlock Holmes, là người rất tin tưởng vào thuyết tâm linh và đã có gắng sử dụng sức mạnh huyền bí để giải quyết bí ẩn. Ông trao cho một bà đồng găng tay của Christie, nhưng bà đồng này cũng không thể tìm ra tung tích của tiểu thuyết gia.
Cảnh sát cho biết họ tìm thấy một số vật thể khả nghi như một chiếc chai dán nhãn đựng chì và thuốc phiện, một tấm thiệp bị xé, áo choàng lông của phụ nữ, một ổ bánh mì, hai cuốn sách thiếu nhi. Họ nghi ngờ nhà văn đã cố tình rời đi và không có ý định trở về.
Ngày 14/12/1926, cuộc tìm kiếm Agatha Christie kết thúc với một bước ngoặt bất ngờ. Sau 11 ngày mất tích, Christie được tìm thấy tại Harrogate, thị trấn nổi tiếng với các khu nghỉ dưỡng spa ở Yorkshire, giống như điều bà từng nói trong bức thư gửi cho anh rể. Nhưng tình trạng của bà càng làm vụ mất tích thêm bí ẩn.
"Cô ấy không biết mình là ai, cô ấy mất trí nhớ hoàn toàn", Archibald nói với các phóng viên khi đón vợ về. Christie cũng không thể nhớ bà đã đến Harrogate như thế nào.
Cảnh sát kết luận Agatha Christie đã rời nhà để đến London và bị hỏng xe trên đường đi. Sau đó, bà bỏ xe lại, lên một chuyến tàu đến Harrogate, vào khách sạn Swan Hydro (nay là khách sạn Old Swan) với tên giả Theresa Neele, trùng họ với nhân tình của chồng. Một nhạc công ở khách sạn đã nhận ra bà và báo cảnh sát. Sau khi nhận được thông tin từ cảnh sát, Archibald ngay lập tức đến đón vợ.
Tuy nhiên, nhà văn không vội vàng rời đi khi chồng đến. Christie để ông chờ ở sảnh khách sạn trong khi bà thay váy và nhìn ông với cặp mắt lạnh lùng. Hàng trăm người đổ xô đến ga tàu ở London khi cặp vợ chồng về nhà với hy vọng nhìn thấy họ.
Tờ Leeds Mercury và Western Daily Press đưa tin hai bác sĩ xác nhận Christie "thực sự mất trí nhớ", tuy nhiên, có nhiều luồng tranh luận về nguyên nhân bà mất tích.
Nhà viết tiểu sử Andrew Norman cho rằng Christie đã ở trong tình trạng được gọi là "chứng điên bỏ nhà đi". Đây là rối loạn tinh thần hiếm gặp, bị kích thích do gặp biến cố hoặc trầm cảm. Người ở trong tình trạng này mất ký ức về bản thân tạm thời và thường bỏ đi khi tự thiết lập một nhân cách mới.
Norman cho rằng nhà văn đã tạo cho mình nhân cách mới là Theresa Neele, khiến bà không nhận ra mình trong các bức ảnh trên báo. "Tôi tin rằng bà ấy định tự tử", Norman nói.
Nhiều người suy đoán vụ mất tích là một kế hoạch để trừng phạt người chồng ngoại tình. Nhà văn Jared Cade cho rằng Christie muốn làm chồng mình xấu hổ nhưng không lường trước được vụ mất tích gây xôn xao dư luận đến vậy. Một số người còn cho rằng bà muốn "gài bẫy" để chồng mình bị cáo buộc tội giết người.
Sau khi trở về nhà, Christie nhanh chóng hồi phục hoàn toàn và tiếp tục viết văn. Bà ly dị chồng vào năm 1928 và kết hôn với nhà khảo cổ học nổi tiếng Max Mallowan hai năm sau đó. Archibald cũng tái hôn với nhân tình Nancy Neele.
Christie chỉ nhắc đến sự cố này một lần, trong cuộc phỏng vấn năm 1928 với Daily Mail. "Đêm đó tôi rời khỏi nhà trong trạng thái căng thẳng cao độ, với ý định làm điều gì đó liều lĩnh", bà nói. Khi lái xe đến gần mỏ đá, bà để nó trượt xuống dốc không kiểm soát trước khi xe đâm vào một chướng ngại vật. "Người tôi nhao về phía tay lái, đầu đập vào thứ gì đó. Cho đến thời điểm này, tôi vẫn là Christie".
Bà nói về cuộc hôn nhân thứ nhất của mình bằng vài từ ngắn gọn: "Không cần đào sâu thêm về nó".
Phương Vũ (Theo NYTimes/History Extra)