Khi ghé quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn tại số 113A đường Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, thực khách như đi vào vòng xoay thời gian về với những năm 40 của thế kỷ trước.
Trước năm 1975, nơi đây là một trong những cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai (Năm Lai). Căn nhà khi đó được giao cho vợ chồng ông Đỗ Miễn bán cơm tấm, cà phê từ năm 1946, nhưng thực chất là nơi cất giữ, chuyển giao thư từ, tài liệu mật... ra chiến khu.
Ông Trần Vũ Bình, con của ông Trần Văn Lai, kể lại sự ra đời của quán cơm tấm này. Ngày đó, trước khi mở quán cơm, bà Sự là vợ của ông Đỗ Miễn, quê ở Hải Phòng, được ông Năm Lai đưa qua Nam Vang (tên Hán Việt của Phnom Penh, Campuchia) để làm công việc nấu ăn, nhưng thực chất là hoạt động tình báo tại nước ngoài. Bà không đi từ Bắc thẳng vào Nam để đánh lạc hướng địch, trong vai một thương gia đi đây đi đó buôn bán, không có mối liên hệ gì với cách mạng lúc bấy giờ.
Ở Nam Vang vài năm, bà Sự trở về nước cùng chồng bán cơm tấm, lúc đó quán tên là cơm tấm Đỗ Phủ - bà Sự, tức phủ của tộc họ Đỗ. Quán bán cơm bình dân cho người lao động và dần trở thành một điểm tụ họp buổi sáng quen thuộc của những cư dân lân cận, trong đó có nhiều lính Đại Hàn (lính Hàn Quốc sang tham chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam) ở cư xá công binh đối diện.
Quán nằm sát vách nhà của ông Ngô Quang Trưởng (tướng quân đội Việt Nam Cộng Hòa) nên vợ chồng ông bà Đỗ Miễn phải hết sức mưu trí, cẩn trọng trong từng hoạt động. "Người đưa thư mang đôi giày có đế xoay đựng thư mật đi vào căn bếp của quán cơm để đưa thư, lúc này chủ quán phải cảnh giới để không cho người khác theo sau, tránh bị phát hiện", ông Bình kể.
Ngoài sự bí hiểm về không gian, món ăn tại đây cũng gây tò mò cho du khách. Cơm tấm ở quán là cách pha trộn giữa cơm tấm Việt Nam cùng kim chi Hàn Quốc tạo nên sự mới lạ về hương vị. Món cơm tấm ban đầu ở quán có thịt sườn nướng, bì, chả, trứng, rau muống ngâm chua ăn cùng nước mắm tỏi ớt pha ngọt kiểu miền Nam. Những người lính Đại Hàn ăn không quen nên đề xuất chủ quán làm thêm kim chi.
"Lúc đó bà Sự lấy tỏi, ớt của Việt Nam làm nhưng lính Hàn ăn không quen và bà phải chuyển sang dùng ớt, tỏi của Hàn Quốc làm thì họ mới ăn ngon miệng", ông Bình kể. Theo lời ông, về sau những cựu binh Đại Hàn vẫn quay trở lại quán, ăn món xưa mà rơi nước mắt.
Chị Bảo Ngân, thực khách đến quán có dịp ăn món cơm tấm kim chi nhận xét món ăn có tên gây tò mò cho du khách, cách trình bày và hướng dẫn dùng cơm có nét tương đồng với cơm trộn Hàn Quốc. "Mình ấn tượng với việc chan nước kim chi lên cơm rồi trộn đều và trứng gà chiên lòng đào hòa quyện vào cơm ăn rất béo. Giá 60.000 đồng cho phần ăn đầy đủ khá hợp lý", Ngân nói.
Ngoài cơm tấm kim chi, thực khách có thể chọn bánh quẩy chấm cà phê làm bữa sáng và tìm hiểu các tư liệu hoạt động của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa tại quán. Bên cạnh đó, đây cũng là điểm dừng chân trong tour theo dấu chân biệt động Sài Gòn của một số công ty du lịch tại TP HCM hiện nay. Quán mở cửa từ 7h đến 22h hàng ngày, khách đi xe máy đến quán sẽ trả thêm 5.000 đồng tiền giữ xe.
Hai món lạ miệng tại quán Biệt động Sài Gòn
Huỳnh Nhi