"Theo tôi, thu mua bọ xít đen khô với giá cao chỉ là chiêu trò của thương lái Trung Quốc mà thôi. Tôi xin chia sẻ cách thức kiếm lời từ hoạt động này để mọi người cảnh giác:
Đầu tiên, thương lái sẽ tự nghĩ ra một sản phẩm gần như vô giá trị và ai cũng có thể kiếm được (ví dụ: ốc bươu, lá vải khô, giun đất...). Ban đầu, họ sẽ thu mua từ thương lái Việt với giá cao ví dụ một triệu đồng một kg để thu hút sự chú ý.
Sau một thời gian, các thương lái của ta thấy những thứ đó rất dễ kiếm mà lại bán được nhiều tiền, nên thi nhau thu gom mua của dân với giá rẻ hơn rồi bán lại cho thương lái Trung Quốc. Sau khi đã ôm đủ số lượng hàng và hàng của dân cũng khan dần, thương lái Trung Quốc sẽ tăng giá thu mua lên gấp nhiều lần (ví dụ tám triệu đồng một kg).
Lúc này, thấy miếng mồi béo bở, các thương lái của ta lại càng lùng sục mua bằng được, sẵn sàng trả giá cao cho người dân. Lợi dụng tâm lý đó, các thương lái Trung Quốc sẽ âm thầm mở kho hàng ban đầu ra, giả vờ là các điểm thu gom của dân rồi bán lại cho thương lái của ta với giá cao hơn giá mua lúc trước. Khi xả hết, họ bất ngờ thông báo không thu mua nữa. Lúc đó, thương lái của ta không kịp trở tay, lỗ nặng vì mặt hàng đó vô giá trị, không bán được cho ai".
Như vậy, họ mua lúc đầu của ta với giá một triệu đồng nhưng bán ra cho chính chúng ta với giá tám triệu đồng. Xong xuôi, họ cầm vali tiền lời rút về nước, bỏ lại chúng ta với khoản lỗ ngập mặt. Vậy nên, các tiểu thương nên tỉnh táo tránh rơi vào cái bẫy của thương lái Trung Quốc. Nhiều người ham giàu nhanh, cứ thấy giá thu mua càng ngày càng tăng nên ôm vào tất tay, để rồi có ngày 'tiền mất tật mang'".
Đó là suy đoán của độc giả Xuantruong trước tình trạng "Đổ xô thu mua bọ xít đen khô giá gần 8 triệu một kg" thời gian qua. Theo đó, thương lái Trung Quốc cam kết mua bọ xít đen sấy khô giá cao, miễn có hàng. Ngoài bọ xít đen, trước đó, thương lái còn thu mua các loài côn trùng khác, như bọ hung, sâu ba vạch, xác ve sầu... Tuy nhiên, đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào cho thấy giống bọ xít đen có thể làm thực phẩm ăn được, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi hoạt động thu mua diễn ra ồ ạt.
>> 'Không thể ăn tôm hùm đất thay cơm'
Đồng quan điểm, bạn đọc Nada cảnh báo về những rủi ro khi bọ xít đen được thu mua giá cao bất thường: "Tôi xin bổ sung thêm một ý nữa, đó là khi bắt đầu thấy lời nhiều mà cung không đủ cầu, người dân sẽ bắt đầu nuôi bọ xít đen với số lượng lớn để bán kiếm tiền. Sau một thời gian, thương lái không thu mua nữa, người dân sẽ phải giải quyết bằng cách tiêu hủy hoặc thả ra môi trường cho nhanh. Lúc đó, rất có thể cánh thương lái sẽ bắt đầu tung ra thị trường hàng loạt thuốc diệt bọ xít để trục lợi".
Liên tưởng đến chiêu trò thổi giá lan đột biến thời gian trước, độc giả Phan Tan hoài nghi: "Câu chuyện này dường như không khác là mấy so với cơn sốt lan đột biến cách đây không lâu. Mục tiêu chính của những thương lái là lợi dụng thổi giá, gây sốt ảo để làm ăn kiếm lời dựa trên tâm lý ham giàu nhanh của người dân. Nhiều người cũng biết về chiêu trò này, nhưng vẫn tham gia rất nhiệt tình với hy vọng sẽ tranh thủ hưởng lợi và rút chân kịp lúc. Tuy nhiên, đó sẽ là con dao hai lưỡi, có thể khiến họ mất tất cả".
- Từ 'mê lan' thành 'mê man' khi dính vào lan đột biến
- 'Đột quỵ' vì lan đột biến
- 'Lan đột biến hạ giá trăm triệu chẳng ai mua'
- 'Lan đột biến hàng tỷ đồng giống đa cấp'
- Ai thu thuế lan 'đột biến' hàng tỷ đồng?