Ngày 14/3, Beyonce xác lập kỷ lục tại Grammy, trở thành nữ nghệ sĩ đoạt nhiều kèn vàng nhất trong lịch sử. Dù không ra album, cô có một năm thành công với hai ca khúc Brown Skin Girl và Black Parade. Trong Brown Skin Girl, Beyonce hát: "Tôi yêu tất cả ở bạn, từ mái tóc xoăn bồng bềnh đến đường cong cơ thể". Ca khúc với sự góp giọng của WizKid, Saint Jhn và con gái Beyonce - Blue Ivy, giành một giải Grammy dành cho "MV xuất sắc".
Sau cái chết của George Floyd - người da màu bị cảnh sát Mỹ ghì cổ năm ngoái, Beyonce phát hành MV Black Parade nhằm lên án nạn phân biệt chủng tộc. Cùng tên tuổi, sức ảnh hưởng của Beyonce, bài hát được ví von như một vũ khí phản chiến, ca ngợi nhân quyền, được Mike Wass của tờ Idolator ca ngợi là "bài hát hay nhất năm". Beyonce đã dành toàn bộ doanh thu bài hát ủng hộ quỹ phát triển kinh tế của người da màu.
Những năm gần đây, Beyonce dùng âm nhạc để thể hiện tiếng nói của cộng đồng người gốc Phi, nhất là qua album Lemonade (2016). Tác phẩm được tạp chí Billboard đánh giá "mang tính cách mạng về nữ quyền của phụ nữ da màu". Xuyên suốt album, Beyonce kể về mối quan hệ giữa cô và chồng, đồng thời phản ánh mối quan hệ giữa phụ nữ da màu và xã hội Mỹ. Trong bài Don't Hurt Yourself, cô trích dẫn câu nói nổi tiếng của nhà hoạt động nhân quyền Malcolm X: "Người không được tôn trọng nhất ở Mỹ là phụ nữ da màu. Người không được bảo vệ nhất ở Mỹ là phụ nữ da màu. Người bị bỏ rơi nhiều nhất ở Mỹ cũng là họ". Trong MV bài hát, Beyonce ca ngợi những phụ nữ da màu từng suy sụp vì bị phân biệt chủng tộc, nay có sự nghiệp thành công.
Xuyên suốt album, cô nhiều lần đề cập đến lịch sử, những sự kiện trọng đại của người da màu như vụ tự sát tập thể của các nô lệ châu Phi bị đàn áp năm 1803, đạo luật hạn chế trang phục của người châu Phi ở bang Louisiana (Mỹ) năm 1786, tập tục vẽ lên cơ thể, những đám tang có nhạc jazz của người gốc Phi. Trong MV Formation, Beyonce ngồi trên chiếc xe cảnh sát của New Orleans đang dần chìm xuống dòng nước lũ, gợi nhắc nỗi đau khi cơn bão Katrina càn quét New Orleans - vùng đất được coi là cái nôi văn hóa đa sắc tộc. Khoảnh khắc chiếc xe cảnh sát lao vào một bóng người ngầm lên án hàng loạt vụ cảnh sát Mỹ sát hại người da màu. Hình ảnh họ giơ tay đầu hàng trước một cậu bé thể hiện ước mơ bình đẳng. Các chuyên gia nói Lemonade góp phần xóa bỏ định kiến rằng phụ nữ da màu là những kẻ nóng nảy, gàn dở, tôn vinh sức mạnh, sự độc lập của họ.
Jason Nichols - Giáo sư của Đại học Maryland - cho rằng Beyonce đã tiếp tục tiếng nói bình đẳng của nhiều nghệ sĩ như Sam Cooke, James Brown, Bob Dylan, Bob Marley.
Trong các màn biểu diễn của mình, Beyonce cũng tôn vinh cộng đồng. Trên sân khấu Glasgow (Scotland) năm 2016, nữ ca sĩ yêu cầu người hâm mộ dành vài phút yên lặng để tưởng niệm hai nạn nhân da màu bị cảnh sát ở Louisiana và Minnesota. Khi các vũ công đứng yên, cô cất giọng hát bài Freedom theo phong cách a cappella, mô tả sự tuyệt vọng khi không có tự do. Ở Gammy 2017, cô mời các vũ công da trắng và da màu cùng minh họa cho tiết mục, khi nữ ca sĩ tái hiện hành trình mang thai, sinh con và làm mẹ của mọi phụ nữ nhằm truyền tải thông điệp bình đẳng. Trong phim thời trang Black is King, cô cũng cài cắm nhiều hình ảnh tôn vinh thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật người da màu.
Hà Thu