Berlin Marathon 2019 sẽ diễn ra lúc 14h15 ngày mai, Chủ nhật 29/9, giờ Hà Nội. Năm ngoái, Eliud Kipchoge, người Kenya, về nhất nội dung full marathon (42,195km) với thời gian 2 giờ 1 phút 39 giây, nhanh hơn kỷ lục thế giới trước đó 1 phút 18 giây. Đây là lần đầu tiên ngưỡng 2 giờ 2 phút trong marathon bị vượt qua. Những ngưỡng trước đó, như 2 giờ 3 phút, 2 giờ 4 phút, 2 giờ 5 phút, cũng bị phá tại Berlin Marathon.
Berlin còn là nơi thiết lập 8 kỷ lục thế giới nam từ 1998, ba kỷ lục thế giới nữ từ năm 1977. "Công thức lập kỷ lục" của giải chạy tại Đức này gồm thời tiết mát mẻ, đường chạy phẳng, đẹp và chọn lựa các VĐV ưu tú. Bên cạnh đó, đội ngũ dẫn tốc (pacer) chuyên nghiệp, giúp bảo vệ và dẫn dắt từng người muốn lập kỷ lục.
Berlin Marathon ra đời năm 1974 nhờ Horst Milde, người thợ bánh đã kết hợp đam mê chạy bộ của bản thân với công việc kinh doanh bánh ngọt và bánh mỳ gia đình từng hưng thịnh suốt 300 năm ở phía tây Cổng Brandenburg. Giải marathon đầu tiên có 244 người về đích, bao gồm 10 VĐV nữ, với kết quả khiêm tốn: 2 giờ 44 phút 53 giây đối với nam và 3 giờ 22 phút 1 giây đối với nữ.
Milde tiếp tục "nhào nặn", để rồi Berlin Marathon đã có quy mô lớn như hiện tại, có khán giả trên khắp thế giới, và được hàng chục nghìn VĐV săn đón. Giải chạy hiện vẫn nằm dưới sự bảo trợ từ câu lạc bộ thể thao Charlottenburg của Milde. Con trai ông, Mark Milder, là giám đốc giải.
Khi nước Đức thống nhất vào tháng 10/1990 sau 45 năm chia tách, Berlin Marathon mở rộng đường chạy sang cả Đông Berlin và thu hút sự chú ý từ thế giới, trở thành biểu tượng của tự do đi lại khắp châu Âu. Đây là một trong sáu giải marathon danh giá nhất, thuộc hệ thống World Marathon Majors, bên cạnh Boston Marathon, Chicago Marathon, New York City Marathon, London Marathon và Tokyo Marathon, những điểm đến mơ ước với mọi chân chạy trên khắp thế giới.
11 kỷ lục thế giới ở Berlin
Tháng 9/1977
Bà Christa Vahlensieck, Tây Đức, phá kỷ lục thế giới với thời gian 2 giờ 34 phút 47 giây. Thời điểm này, các vận động viên nam bắt đầu khám phá cơ hội mới do marathon mang lại, tạo tiền đề giúp đưa môn thể thao này vào Thế vận hội Olympic 1984. Vahlensieck được tiến sĩ Ernst Van Aaken, người ủng hộ lợi ích sức khỏe từ thể thao và sức bền của phụ nữ, dẫn dắt.
Vahlensieck lập kỷ lục thế giới năm 1975 rồi bị vận động viên người Mỹ Jacqueline Hansen vượt qua trong cùng năm. Bà giành lại "ngôi vương", vượt qua thành tích của runner Pháp Chantal Langlace hồi tháng 5/1977, để động viên Van Aaken, khi đó đã mất hai chân vì tai nạn giao thông.
Năm 1998
Ronaldo da Costa, quốc tịch Brazil, con út trong một gia đình nghèo 11 người, rất hiếm khi tranh tài ở nước ngoài. Tại Olympic Atlanta năm 1996, anh xếp thứ 16 nội dung 10.000 mét nam. Khi đến Berlin lần đầu năm 1997, anh xếp thứ 5 với thời gian chạy 2 giờ 9 phút 7 giây. Một năm sau, da Costa cải thiện thành tích, thiết lập và giữ kỷ lục 2 giờ 6 phút 5 giây suốt 10 năm.
Da Costa là vận động viên Nam Mỹ duy nhất lập kỷ lục marathon thế giới. Anh được coi là người hùng quốc gia của Brazil.
Năm 2001
Thế giới bắt đầu tìm kiếm runner nữ đầu tiên vượt mốc 2 giờ 20 phút sau khi Joan Benoit Samuelson, quốc tịch Mỹ, đưa kỷ lục thế giới về 2 giờ 22 phút 43 giây tại Boston năm 1983. Các vận động viên châu Phi khi đó đều không thể phá rào cản này, kể cả Fatuma Roba (quốc tịch Ethiopia, nữ vận động viên châu Phi đầu tiên vô địch Olympic năm 1996) hay Tegla Loroupe (quốc tịch Kenya, nữ vận động viên châu Phi đầu tiên vô địch một giải marathon ở thành phố lớn – New York City Marathon – năm 1994).
Ban tổ chức Berlin Marathon muốn mốc 2 giờ 20 phút bị chinh phục tại chính thành phố này. Loroupe suýt thành công vào năm 1999 với thành tích 2 giờ 20 phút 43 giây. Sau gần 20 năm, mốc 2 giờ 20 phút bắt đầu giống như "bức tường một dặm (hơn 1.600 mét) trong 4 phút" trước khi bị vận động viên Anh Roger Bannister vượt qua.
Berlin Marathon sau đó mời Naoko Takahashi, nhà vô địch Olympic Sydney 2000 người Nhật Bản, tham gia. Takahashi bung hết sức trên đường phố Berlin và mang lại danh tiếng cho bản thân với thành tích 2 giờ 19 phút 46 giây. Kết quả này không chỉ là một bước đột phá trong thể thao. Takahashi trở thành nữ người hùng quốc gia của Nhật Bản, vốn có văn hóa gia trưởng, thậm chí được đưa vào nhiều bộ truyện tranh.
Năm 2013 – 2018
Berlin dần trở thành lựa chọn lý tưởng để vận động viên vượt qua các rào cản tiếp theo. Paul Tergat, người Kenya, là runner nam đầu tiên hoàn thành marathon trong 2 giờ 4 phút 55 giây năm 2003, vượt mốc 2 giờ 5 phút. Mốc 2 giờ 4 phút bị Haile Gebrselassie, người Ethiopia, chinh phục năm 2008 với thành tích 2 giờ 3 phút 59 giây.
Năm 2014, Dennis Kimetto, người Kenya, vượt mốc 2 giờ 3 phút với thành tích 2 giờ 2 phút 57 giây. Tại Berlin, những bức ảnh về đích giờ đây luôn bao gồm cả đồng hồ đếm giờ.
Tháng 9/2018, Kipchoge đã có một cuộc đua gần như hoàn hảo, chạy một mình từ giữa chặng. Khi người dẫn tốc cuối cùng rời khỏi đường đua, vận động viên này vẫn duy trì tốc độ trung bình 4 phút 38 giây/dặm (khoảng 2 phút 50 giây/km). Trong 1,36 dặm (hơn 2 kilomet) cuối cùng, Kipchoge chạy với tốc độ 4 phút 30 giây/dặm (khoảng 2 phút 48 giây/km), nhanh nhất từng ghi nhận tại cuối một chặng marathon.
Kỷ lục 2 giờ 1 phút 39 giây của Kipchoge sẽ tồn tại một thời gian. Ngay cả chính vận động viên này cũng chỉ suýt tự phá kỷ lục tại London Marathon 2019 với kết quả 2 giờ 2 phút 37 giây.
"Lịch sử cho thấy phá kỷ lục thế giới không đơn thuần chỉ là điều có thể thực hiện ở Berlin, nó gần như là bắt buộc", trang Runner’s World mô tả.
Các kỷ lục thế giới thiết lập tại Berlin Marathon
Nam
1998 – Ronaldo da Costa (Brazil, 2 giờ 6 phút 5 giây)
2003 – Paul Tergat (Kenya, 2 giờ 4 phút 55 giây)
2007 – Haile Gebrselassie (Ethiopia, 2 giờ 4 phút 26 giây)
2008 – Haile Gebrselassie (Ethiopia, 2 giờ 3 phút 59 giây)
2011 – Patrick Makau Musyoki (Kenya, 2 giờ 3 phút 38 giây)
2013 – Wilson Kipsang (Kenya, 2 giờ 3 phút 23 giây)
2014 – Dennis Kimetto (Kenya, 2 giờ 2 phút 57 giây)
2018 – Eliud Kipchoge (Kenya, 2 giờ 1 phút 39 giây)
Nữ
1977 – Christa Vahlensieck (Tây Đức, 2 giờ 34 phút 48 giây)
1999 – Tegla Loroupe (Kenya, 2 giờ 20 phút 43 giây)
2001 – Naoko Takahashi (Nhật Bản, 2 giờ 19 phút 46 giây)
Như Tâm (theo Runner's World)