"Hãy trở thành bếp ăn thế giới", đúng 10 năm trước, Philip Kotler - một trong bốn bộ óc lớn nhất trong giới kinh doanh theo bầu chọn của Time - đến Việt Nam với lời khuyên này.
Thật trùng hợp, tôi đã nghĩ về hạt gạo Việt từ nhiều năm trước. Ngoài xuất khẩu thô, chúng ta còn có thể làm gì với hạt lúa? Thế mạnh trong quá khứ của Việt Nam là hạt gạo, nên tương lai sẽ chỉ vững bền nếu ta đừng bỏ bê báu vật của mình.
Vài năm trước, tôi cùng cộng sự bắt đầu dự án kinh doanh mới tại TP HCM. Chúng tôi tập trung nghiên cứu sản phẩm cơm độ dưỡng dành cho người thừa cân và tiểu đường, trên cơ sở cắt giảm lượng carbs mà vẫn đảm bảo độ dẻo và vị ngọt như gạo thường. Hơn 3,5 triệu người Việt bị tiểu đường, 53% chị em văn phòng đang nghĩ mình thừa cân, theo khảo sát gần đây của một hãng nghiên cứu thị trường quốc tế. Trên thế giới, có đến 1/3 người Mỹ trung niên bị béo phì. Nhu cầu sống và ăn lành mạnh khiến tôi tin vào thị trường ngày một lớn.
Còn tại Bangkok, công ty của Tawee bạn tôi phát triển dòng sản phẩm thịt chay chế biến từ nguồn nông sản Thái Lan, nhằm đón lõng trào lưu ăn chay, sống thuận tự nhiên.
Dù không nói ra, giữa chúng tôi đã có cuộc đua ngầm. Sản phẩm cơm ăn kiêng của tôi đi tiên phong trên thị trường Việt Nam về ý tưởng kinh doanh, dù đã có những đơn hàng xuất khẩu nhưng phải tạm gác lại vì Covid. Ở Thái, bạn tôi đã có những bước đi mạnh mẽ. Không chỉ phủ kín thị trường Thái, sản phẩm của cậu đã xuất khẩu tới hơn 10 quốc gia.
Nghiên cứu kỹ về thị trường, tôi biết chúng tôi khá tương đồng về vị thế của nông sản Việt Nam và Thái Lan, cùng chung tiềm năng trở thành "bếp ăn Thế giới". Nhưng từ sâu xa, tôi vẫn biết cái gọi là "lợi thế" của mình rất khiêm tốn.
Người Thái đã thực sự thành công trong việc đưa thực phẩm Thái thành một mũi nhọn kinh tế, xây dựng thương hiệu "Made in Thailand", thúc đẩy văn hóa ẩm thực Thái trên toàn cầu. Và điều đó mang lại cuộc sống tốt đẹp cho hơn 40 triệu nông dân của họ. Với chiến lược giảm xuất khẩu nông sản thô, chính phủ và doanh nghiệp nước này đã tập trung phát triển các mặt hàng thực phẩm giá trị gia tăng cao, mang lại nhiều lợi nhuận cho chuỗi cung ứng nông sản.
Năm 2019, ngành thực phẩm chế biến Thái Lan đóng góp tới 20% GDP, mang về hơn 33 tỷ USD từ xuất khẩu. Năm 2020, xuất khẩu thực phẩm của họ đạt tăng trưởng 2,5% so với cùng kỳ. Còn chúng ta, theo Tổng cục Thống kê, cả khu vực nông, lâm và thủy sản chỉ đóng góp 0,19 điểm phần trăm vào tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế năm 2020, và vẫn loay hoay với các đợt giải cứu nông sản.
Thái Lan đã giữ lợi thế cạnh tranh bằng hai mũi nhọn: sản phẩm sáng tạo và cải tiến quy trình - nhờ guồng máy vận hành nhịp nhàng, nuôi dưỡng và phát triển mọi ý tưởng sáng tạo trên bình diện quốc gia. Thuật ngữ "khởi nghiệp từ thực phẩm" rất thân thuộc với cộng đồng doanh nhân Thái.
Món thịt chay của bạn tôi đã được phát triển trong hệ sinh thái đó. Từ những ngày đầu nghiên cứu và phát triển sản phẩm, họ có sự hỗ trợ từ Food Innopolis và Space- F, những trung tâm nghiên cứu và phát triển thực phẩm nằm trong Công viên Khoa học quốc gia, được thành lập bởi chính phủ, các đại học và tập đoàn lớn. Nhãn hàng của anh sau đó liên tục xuất hiện trên các báo và tạp chí lớn của thế giới nhờ hỗ trợ của Hiệp hội Thực phẩm và đồ uống Thái.
Ở TP HCM, tôi đã kiếm tìm nhiều cách và biết rằng có một số nhà khoa học nghiên cứu đề tài cơm ăn kiêng. Với mơ ước phát triển một dự án thuần Việt - hạt gạo Việt, trí tuệ Việt - chúng tôi đã nỗ lực tiếp cận vị tiến sĩ trong nước bằng mọi phương tiện có thể. Nhưng không được hồi đáp. Sau nhiều nỗ lực, tôi đã có được sự cộng tác từ các nhà khoa học ở nước ngoài - những người đã phản hồi e-mail đề nghị trong vòng một ngày. Dù được hỗ trợ, tôi đã mất đi cơ hội được cùng đồng hành với trí tuệ Việt.
Tôi nghĩ rằng trải nghiệm của mình không phải duy nhất khi báo cáo năm 2020 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới cho biết, sự liên kết giữa các đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp của Việt Nam đứng thứ 65, cách khá xa vị thế 31 của Thái Lan trên toàn cầu.
Sự kết hợp giữa ý tưởng sáng tạo của doanh nhân, việc nghiên cứu theo đơn đặt hàng của đại học và hành trình thương mại hóa ý tưởng thành sản phẩm ra thị trường là công thức chung của thành công. Chính phủ đã nỗ lực dỡ bỏ nhiều rào cản pháp lý để đường đi thông thoáng hơn cho doanh nghiệp. Nhưng hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh không chỉ đơn thuần là khung pháp lý, nó còn đòi hỏi một cơ chế vận hành thống nhất, sự tương hỗ chặt chẽ giữa các chủ thể. Trong đó, không thể thiếu doanh nhân, nhà khoa học của các viện nghiên cứu và đại học, nhà tiếp thị thương mại của chính phủ. Đó là đại dương xanh, nơi các loài cá đều có cơ hội trưởng thành và đóng góp cho cộng đồng.
Tôi tin đang có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp tìm kiếm lối đi của mình trong năm 2021, và họ có thể cũng bối rối như tôi vài năm trước. Tôi mong rằng, danh hiệu "gạo ngon nhất thế giới" của lão nông Hồ Quang Cua, nếu có thêm trợ lực của các cơ quan chính phủ và cộng đồng doanh nhân, sẽ tìm được vị thế xứng đáng hơn trên thương trường.
"Hãy trở thành bếp ăn thế giới" không phải lời khuyên tồi. Dù chậm chân so với người Thái trong việc đem đồ ăn ra thế giới, nhưng chúng ta vẫn có lợi thế trong hành trình này so với rất nhiều quốc gia khác.
Ẩm thực luôn vô cùng đa dạng và Thế giới luôn có không gian đủ lớn cho "khẩu vị Việt" thể hiện mình. Chuyện còn lại chỉ là: làm sao có được bệ phóng đủ mạnh đưa các ý tưởng sáng tạo từ nông sản nói chung và hạt gạo Việt Nam đi xa?
Ngô Trọng Thanh