Tôi vẫn thầm cảm ơn và tự hào khi kể về những hiệp sĩ cà phê chăm chỉ và giỏi giang của mình mỗi lần làm việc với bạn bè quốc tế. Tôi hỏi về nông nghiệp thông minh, người nông dân ú ớ mãi không trả lời được, thế nhưng cánh đồng cà phê anh canh tác đạt năng suất hàng đầu thế giới. Tôi gọi người như anh là một "hiệp sĩ".
Tại Tây Nguyên, vườn của anh đạt 4,5 tấn cà phê cộng với thu nhập từ sầu riêng khoảng 35 triệu đồng mỗi hecta một vụ. Anh áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm cũng như luôn dự báo được thời tiết năm nay thế nào thông qua tích luỹ kinh nghiệm, theo dõi thông tin và học hỏi vài năm qua.
Khác với nhiều nước, vườn cà phê của nông dân Việt Nam luôn trồng thêm các cây che bóng như sầu riêng, bơ hoặc tiêu. Mô hình nhiều cây một vườn đã được thực hành tại Ấn Độ và nông dân Việt Nam rất nhanh nhạy áp dụng. Và dù áp dụng muộn hơn Ấn Độ nhưng thu nhập từ rẫy cà phê, điều của nông dân nước ta thường hiệu quả hơn.
Ít ai biết, nhiều năm nay, nông dân Việt Nam vẫn luôn bán cà phê cạnh tranh hàng đầu thế giới vì năng suất của chúng ta thường cao gấp đôi hay ba nước khác. "Việt Nam đang phá giá cà phê khi chấp nhận bán mức sàn của giá thế giới, trong khi giá tại Indonesia cao gấp ba lần", một đồng nghiệp của tôi mới phàn nàn. Tôi không phiền lòng, tôi thầm vui vì đó chính là nông nghiệp thông minh - đích đến của nhiều quốc gia. Đôi khi nông nghiệp thông minh không phải mỹ từ nằm trên các báo cáo trong phòng máy lạnh, nó chính là cách người nông dân canh tác sáng tạo và hiểu biết trên mảnh đất của mình.
Nhưng ngoài hiệp sĩ cà phê, tôi còn có nhiều bạn là những hiệp sĩ khác. Họ là những người giải cứu nông sản thầm lặng, giải cứu bào thai sắp bị các bà mẹ trẻ phá bỏ, hay hiệp sĩ bắt cướp. Họ vốn không có tí chuyên môn nào liên quan đến việc mà trở thành Don Quijote chiến đấu với cối xay gió.
Năm nào cũng vậy, ngành nông nghiệp cũng đương đầu với khó khăn tiêu thụ, đều như vắt chanh, các hiệp sĩ xuất hiện. Họ, những sinh viên, công chức hay các tiểu thương sẵn sàng bỏ thời gian, công sức, tiền bạc, mua cùng giá của nông dân và bán lại cùng giá cho người tiêu dùng, lên mạng huy động mọi người ủng hộ nông dân...
Nhưng có những hiệp sĩ tôi quen lại không cảm thấy tự hào. Có một "hiệp sĩ" nói thẳng với tôi rằng xã hội không cần các hiệp sĩ mới là thịnh vượng, ổn định, nơi các cơ quan chức năng đều thực hiện tốt vai trò họ được trả lương. Vậy những người có chuyên môn và được phân công giải quyết những việc kia đi đâu hết, để cho công dân tự phát phải làm? Câu hỏi này nhiều người đã hỏi, nhiều người đã trả lời. Kết quả, chúng ta vẫn còn vô số hiệp sĩ theo thời vụ, nhảy vào những việc bao đồng bởi lòng trắc ẩn.
Có người bạn tôi thắc mắc, tại sao Việt Nam không xây dựng các sàn giao dịch nông sản điện tử B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) hay B2C (doanh nghiệp với người tiêu dùng) cho ngành hàng nông sản như nhiều nước. Tôi từng chứng kiến một tổ chức khu vực đã xây dựng sàn giao dịch B2B cho các hợp tác xã sản xuất cà phê Việt kết nối với các nhà mua trên thế giới. Kết quả là sàn giao dịch gần như không có hoạt động nào bởi "tình đơn phương". Các nhà sản xuất rất hào hứng tham gia, đăng tải thông tin bán hàng, nhưng phía mua hàng thì hững hờ vì họ đã có sẵn các kênh cung cấp quen thuộc với chất lượng ổn định và giá thành đã được cam kết. Họ không muốn bị rủi ro khi lựa chọn một bên cung cấp mới, chưa được xác nhận chắc chắn về chất lượng, uy tín hay năng lực hậu cần khi đóng gói, vận chuyển và xuất khẩu.
Tức là, dù với ý tưởng nào, bệnh của ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn phải trị từ gốc. Giả sử, sàn giao dịch nông sản hiện đại được mở cho Việt Nam, liệu dưa hấu, tỏi, vải, tôm cá có đủ tiêu chuẩn để xuất sang các thị trường châu Âu, Nhật, Mỹ không? Câu trả lời gần như chắc chắn là "không". Những nông sản được giải cứu thực ra chỉ có thể bán được trong nước và cho thị trường rất dễ tính là Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch. Sắp tới, khi nước này siết chặt hơn việc nhập tiểu ngạch, bộ phim "giải cứu nông sản" còn được công chiếu dày đặc hơn.
Tôi yêu hình ảnh anh chàng Don Quijote lãng mạn thời thơ ấu nhưng luôn mong xã hội chúng ta dần sẽ không còn hiệp sĩ, những Lục Vân Tiên, bởi tất cả cơ quan chức năng thực sự hoạt động hiệu quả. Ví như riêng với nông sản, là khi các viện nghiên cứu đưa ra được các giống phù hợp với thổ nhưỡng, thời tiết và đặc biệt là nhu cầu thị trường; những người làm chính sách, quản lý nông nghiệp và thương mại dự đoán sát sức cầu cho từng năm, từng thời vụ và đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn cụ thể cho nông dân trước mỗi vụ; người có chức năng biết kết nối với nơi tiêu thụ phù hợp. Và cả nông dân sẽ thay đổi thái độ, thực hành canh tác có đạo đức, chú trọng chất lượng và uy tín sản phẩm.
Còn khi vẫn trông chờ vào một người mua để rồi chong đèn đợi giải cứu bởi lòng thương hại thì sự tự tôn của chính người một nắng hai sương sản xuất của ra cái ăn cho cả xã hội sẽ bị bào mòn. Liệu đến ngày nào, hiệp sĩ biến mất, còn nông dân tự tin rằng: Cảm ơn, chúng tôi không cần giải cứu!
Trần Ban Hùng