Theo cách chia cụm của Sở Y tế TP HCM để thuận tiện hội chẩn, chuyển tuyến F0 nặng, Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 (do Bệnh viện Nhân dân Gia Định phụ trách) chịu trách nhiệm hỗ trợ điều trị cho các bệnh viện ở quận 7, quận 8, huyện Cần Giờ, theo mô hình "chị - em". Tuy nhiên, gần đây khi bệnh viện ngoài cụm như Quận 12, Tân Phú quá tải, tỷ lệ tử vong cao do bệnh nhân tự đến nhiều và tình trạng lúc nhập viện đã nặng, các bác sĩ Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 trực tiếp đến hội chẩn, chuyển viện F0 vừa và nặng. Nhiều bệnh nhân đã được điều trị tích cực kịp thời và hồi phục.
Theo Sở Y tế TP HCM, đây là cách làm mới vừa mang tính chủ động hơn trong việc tiếp nhận điều trị F0 nặng, vừa thể hiện trách nhiệm của một bệnh viện "chị" hỗ trợ bệnh viện "em". Ngành y tế dự định nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.
Với hình thức này, ngoài việc hỗ trợ trong cụm theo phân công, các viện phối hợp để chuyển viện người mắc Covid-19 phù hợp tình hình thực tế trong những thời điểm khác nhau, khi có sự quá tải. Các bác sĩ hồi sức tầng ba sẵn sàng hỗ trợ các bệnh viện tầng hai, khi được Sở Y tế yêu cầu. Sự phối hợp này giúp tăng khả năng cứu sống người bệnh, đồng thời làm giảm ca chuyển nặng tại các bệnh viện quận, huyện.
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết khái niệm bệnh viện "chị - em" do Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đưa ra khi phụ trách phòng chống dịch tại TP HCM trong đợt cao điểm của làn sóng dịch thứ 4. Các bệnh viện tầng 3 xem như "bệnh viện chị", thường xuyên hội chẩn, hỗ trợ tầng dưới là "bệnh viện em". Một số F0 nặng được bác sĩ trực tiếp xuống chuyển tuyến lên trên kịp thời. Ngược lại, để tránh quá tải trong giai đoạn đông bệnh, F0 ở tầng 3 điều trị giảm độ nặng được chuyển xuống tầng dưới, thành mô hình hợp tác chị em.
Bên cạnh đó, các trung tâm hồi sức tuyến cuối cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật về hồi sức cho nhân viên y tế các bệnh viện tuyến trước. "Tên gọi chị - em thể hiện ngoài chuyển giao kỹ thuật còn có sự gắn kết tình cảm giữa bệnh viện đầu ngành với các bệnh viện trong thành phố", theo Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng.
Theo quy trình hiện nay của ngành y tế, khi F0 tại nhà trở nặng, bác sĩ của trạm y tế và trạm y tế lưu động báo về bệnh viện dã chiến của quận, huyện để thu dung, can thiệp ổn định bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ sẽ hội chẩn và chuyển tầng cho bệnh nhân nếu cần. Các bệnh viện trong cụm có thể "chuyển bệnh ngang tầng" với nhau khi có nơi quá tải, hoặc "chuyển bệnh hai chiều" từ dưới lên trên và trên xuống dưới giữa các tầng.
TP HCM cũng đang xây dựng mô hình "bệnh viện dã chiến ba tầng", trong đó tầng ba chuyên hồi sức bệnh nặng và nguy kịch, thực hiện được tất cả kỹ thuật hồi sức chuyên sâu từ thở HFNC, thở máy không xâm lấn đến thở máy xâm lấn, lọc máu, chạy ECMO. Tầng một và tầng hai là các khoa bệnh nhẹ và trung bình, chủ yếu điều trị F0 có bệnh nền, lớn tuổi còn tự chăm sóc được và có nhu cầu hỗ trợ thở oxy ở mức tối thiểu.
Bệnh viện dã chiến ba tầng luôn có sự chuyển đổi liên tục bệnh nhân giữa các tầng để tối ưu hóa nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng điều trị, phấn đấu theo hướng "không để người bệnh xuất viện ở tầng ba, và không để người bệnh chết ở tầng hai". Thay vào đó, bệnh nhân ở tầng ba khi ổn định sẽ được chuyển xuống tầng hai, bệnh nhân ở tầng hai khi trở nặng thì được chuyển lên tầng ba.
TP HCM gần đây ghi nhận số ca mắc mới, F0 nặng nhập viện, tử vong có xu hướng tăng. Thành phố đang tăng cường nhiều biện pháp, tập trung bảo vệ nhóm nguy cơ, người trên 65 tuổi, người bệnh nền. Sở Y tế TP HCM yêu cầu tất cả bệnh viện phải lập khu điều trị Covid-19. Ngành y tế cũng đang hỗ trợ các địa phương tăng cường hệ thống y tế cơ sở để chăm sóc F0 tại nhà.
Lê Phương