Đây là bệnh viện đầu tiên tại TP HCM thiết lập theo mô hình 3 tầng điều trị Covid. Mô hình "Bệnh viện dã chiến 3 tầng" này cũng đang được ngành y tế TP HCM tham mưu UBND triển khai trong bối cảnh thích ứng mới.
"Ba tầng điều trị F0 nhẹ, vừa và nặng kết hợp trong một bệnh viện giúp tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Bệnh nhân trở nặng sẽ được hội chẩn và chuyển tầng an toàn ngay, không tốn thời gian liên hệ tìm bệnh viện, không di chuyển xa nên đỡ giai đoạn 'trống oxy' trên xe cứu thương, từ đó tăng cơ hội hồi phục", phó giáo sư Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, kiêm Giám đốc Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình, nói.
Theo phó giáo sư Thanh, mỗi mô hình, giải pháp phù hợp với từng giai đoạn khác nhau. Chẳng hạn ở Bắc Giang trước đây, việc xây dựng trung tâm hồi sức bệnh nhân nặng giúp phát huy rất tốt hiệu quả điều trị. Trong khi đó, đợt dịch này tại TP HCM, số F0 tăng nhanh kỷ lục với hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày, ngành y tế liên tục nâng công suất giường nhưng vẫn quá tải khiến nhiều F0 đang rất nguy cấp mà không viện nào nhận. "Mô hình cơ sở y tế điều trị đa tầng từ mức độ nhẹ đến nặng sẽ giúp bệnh nhân được điều trị kịp thời tại chỗ, đỡ phải chuyển viện từ tầng này đến tầng khác", phó giáo sư Thanh nói.
Tại quận Tân Bình khi ấy, Bệnh viện Thống Nhất không được giao nhiệm vụ điều trị F0. Bệnh nhân vào cấp cứu, sàng lọc, nếu phát hiện Covid-19 sẽ được theo dõi tại vùng đệm của khoa cấp cứu để bảo vệ "vùng lõi" bên trong cho các hoạt động khám chữa bệnh khác và liên hệ tìm nơi chuyển viện nhưng gặp nhiều trở ngại. Có những giai đoạn, F0 "tràn vùng đệm", bệnh nhân lại diễn tiến nặng quá nhanh đặt các y bác sĩ trước nhiều trăn trở.
Cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa Quận Tân Bình, Trung tâm Y tế quận Tân Bình cũng rất khó khăn trong việc thu dung, điều trị, chuyển viện bệnh nhân. "Nếu phối hợp cả ba cơ sở vào một nơi sẽ tạo nên mô hình liên thông toàn diện, thông suốt, kịp thời cứu chữa nhiều bệnh nhân", phó giáo sư Thanh phân tích.
Cùng thời điểm ấy, UBND quận Tân Bình quyết định thành lập bệnh viện dã chiến trên cơ sở chuyển công năng Trung tâm triển lãm và hội chợ Tân Bình. Trước đề xuất của Bệnh viện Thống Nhất, UBND đã thay đổi phương án thiết kế ngay trong đêm, chuyển từ thành lập bệnh viện dã chiến tiếp nhận F0 nhẹ sang mô hình đa tầng, điều trị cả bệnh nhân vừa và nặng, nguy kịch.
Hệ thống oxy trung tâm được khẩn cấp thiết lập ở cơ sở dã chiến. Các phương tiện máy móc hiện đại như EMCO, máy lọc máu liên tục, máy chạy thận, hàng chục máy thở, vô số máy oxy dòng cao cùng các thiết bị monitor, bơm tiêm điện... từ nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm, bên cạnh nguồn sẵn có của các bệnh viện được hối hả vận chuyển sang.
Sau hơn 10 ngày thi công cải tạo cả ngày lẫn đêm, Bệnh viện dã chiến quận Tân Bình hoạt động từ ngày 18/8 với ba tầng điều trị được ngăn chia bằng bạt trắng, dày đặc máy móc. Bệnh viện có quy mô 1.000 giường, trong đó 50 giường hồi sức F0 nguy kịch, 150 giường bệnh nhân nặng, 500 giường dành cho F0 trung bình và 300 giường bệnh nhân nhẹ.
"Mô hình đa tầng giúp tận dụng, sử dụng tối ưu nguồn nhân lực, phát huy được năng lực đội ngũ nhân viên rất hiệu quả, người nhiều kinh nghiệm có thể hỗ trợ người mới", giám đốc bệnh viện nhận định. Trung tâm Y tế Tân Bình phụ trách tầng 1 chăm sóc F0 nhẹ. Bệnh viện Đa khoa Tân Bình phụ trách tầng 2 với các bệnh nhân ở mức trung bình. Bệnh viện Thống Nhất đảm nhận tầng 3 điều trị F0 nặng và nguy kịch. Tuy nhiên, các tầng vẫn có sự phối hợp, hỗ trợ, chia sẻ công việc cùng nhau, từ đó giúp các y bác sĩ có thêm cơ hội học hỏi lẫn nhau.
Theo lãnh đạo bệnh viện, trong mô hình đa tầng, khâu tiếp nhận, sàng lọc phân loại bệnh nhân khi đóng vai trò quan trọng. F0 vào viện được phân loại, đánh giá ngay tình trạng bệnh để phân tầng phù hợp, giúp các tầng phát huy tốt nhất vai trò của mình. "Khi được điều trị phù hợp ngay từ đầu, bệnh nhân sẽ giảm nguy cơ trở nặng, hồi phục sớm hơn", phó giáo sư Thanh nói.
Gần 2 tháng qua, với khoảng 300 nhân viên, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 2.000 bệnh nhân, đặc biệt các giường hồi sức, giường bệnh nhân nặng luôn đầy kín bệnh nhân. Đến nay, hơn 1.400 người hồi phục xuất viện, hiện chỉ còn điều trị hơn 500 ca. Tỷ lệ tử vong tại viện cũng giảm từ 5% những ngày đầu xuống còn 2-2,5% nhờ F0 được phát hiện, chăm sóc tốt từ đầu tại cộng đồng, nhiều bệnh nhân được tiêm vaccine, y bác sĩ ngày càng có kinh nghiệm điều trị...
Bệnh viện ra đời đã giúp giảm tải rõ rệt cho quận Tân Bình, các khu thu dung của quận không còn các ca diễn tiến nặng và tử vong, y tế địa phương có nhiều thời gian xuống cộng đồng hỗ trợ F0 tại nhà. Từ hiệu quả ban đầu, Bộ Y tế nhanh chóng giao bệnh viện "chia lửa" với quận Phú Nhuận. Những trường hợp nặng từ Phú Nhuận được liên hệ trước để chuyển về, khi vào viện sẽ được tiếp nhận ngay, không tốn thời gian chờ đợi lâu.
"Tôi nghĩ mô hình đa tầng phù hợp trong giai đoạn hiện nay, mỗi khu vực nên có một cơ sở để góp phần giúp các bệnh viện khác thực hiện tốt nhiệm vụ khám chữa bệnh, điều trị các bệnh lý khác cho người dân", phó giáo sư Thanh nói.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, thành phố đang xây dựng lộ trình ngừng hoạt động các bệnh viện dã chiến. Riêng các bệnh viện dã chiến số 16, 13 và 14 có trung tâm hồi sức Covid-19 (ICU) sẽ được giữ lại. Các trung tâm hồi sức sẽ sáp nhập với bệnh viện dã chiến, trở thành các "Bệnh viện dã chiến 3 tầng". Sở Y tế điều động luân phiên nhân viên y tế từ các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố, quận, huyện đến tham gia điều trị.