TS Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP HCM) chia sẻ quan điểm trong cuộc tranh luận về trường chuyên. Ông Dũng có hàng chục năm dạy Toán chuyên, bồi dưỡng học sinh giỏi tham gia các kỳ thi quốc gia và quốc tế.
Hệ thống trường chuyên, các cuộc thi học sinh giỏi, kỳ thi Olympic được thành lập và tổ chức với mục đích tốt đẹp là phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương, cho đất nước. Tuy nhiên hiệu quả thực tế không cao như chúng ta mong đợi và không cao như chúng ta... tưởng.
Vì sao như vậy? Người ta thường tìm nguyên nhân ở khả năng và trình độ của những người thực hiện, ví dụ trường đó thành công nhờ có hiệu trưởng giỏi, có nhiều giáo viên giỏi, tâm huyết, có sự hỗ trợ tốt của phụ huynh.
Điều đó có phần đúng, nhưng chưa đúng về bản chất. Nguyên nhân sâu xa nhất của tất cả là bệnh thành tích.
Khi mà sự thành công trong giáo dục của một tỉnh, một trường chuyên, một tổ bộ môn chuyên, một giáo viên chuyên được quy về thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi (được đo bằng cách đếm số giải thưởng) thì sức ép lên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, huấn luyện viên trưởng và giáo viên là rất lớn. Sức ép lớn đó tạo nên những hướng đi, hành động chuệch choạc, tạo ra một hệ sinh thái không hề thân thiện cho việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài.
Khoảng năm 2007-2008, trong những ngày "u ám" của cải cách thi học sinh giỏi do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) lúc đó tiến hành, có một tổ trưởng tổ Toán nói với tôi: "Anh ơi giúp em làm sao có một giải khuyến khích cũng được, chứ trắng tay thêm năm nữa là em... chết".
Bối cảnh bấy giờ năm 2007, tỷ lệ đạt giải môn Toán, kể cả khuyến khích là 13%; năm 2008 là 8%. Khi đó, học sinh đạt giải khuyến khích cũng được dự TST (tên viết tắt tiếng Anh của kỳ thi chọn học sinh vào Đội tuyển học sinh Việt Nam dự thi giải Toán quốc tế IMO). "Chết" ở đây dĩ nhiên không phải là chết thật, mà có thể bị mất chức tổ trưởng, bị (hay được) chuyển ra trường thường.
Lại có vị giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nghe nói sắp được cho nghỉ. Và có một chiến dịch đẩy được một học sinh vào đội tuyển thi Toán quốc tế, giành được huy chương, về báo công, thế là được làm thêm một nhiệm kỳ nữa.
Thành tích quan trọng như thế mà phải có ngay và luôn, chứ không phải 10 năm, 20 năm, dẫn đến các hành động chuệch choạc. Một là săn tìm các thầy ra đề về bồi dưỡng để được hưởng lợi. Hai là "săn sóc" các đoàn đi coi thi để họ tạo điều kiện cho các thí sinh trao đổi bài. Cuối cùng là "gửi gắm" các giám khảo. Nói tóm lại là đánh thẳng vào ba khâu "quan trọng" nhất là đề thi, coi thi và chấm thi.
Cách tiếp cận này có thể là đã đem lại những kết quả trước mắt, cứu cho các cá nhân bàn thua, thậm chí đánh bóng được tên tuổi, đưa họ lên các nấc thang (thực ra thì cũng khiêm tốn thôi, kiểu tổ trưởng hay hiệu phó chuyên môn). Nhưng nó gây ra những tác hại to lớn.
Đầu tiên, nó tạo ra sự không công bằng. Có em dù không giỏi lắm vẫn đạt giải vì "may mắn" rơi vào đội biết chơi. Trong khi đó có những em giỏi hơn nhưng ở trong các đội trung thực hơn lại không đạt giải. Điều này tạo ra "phản động lực" học tập cho cả hai nhóm học sinh, nhóm may mắn và nhóm trung thực.
Thứ nữa, nó làm chúng ta quên đi thành tố quan trọng nhất của hình thành nhân tài, đó là thực học. Kiểu học bắt bài, bắt tủ dĩ nhiên sẽ không có độ bài bản về mặt kiến thức. Các thầy cũng không đủ thời gian (và đôi khi trình độ) để cùng học sinh phân tích, phát triển tư duy toán học (thí nghiệm - quan sát - nhận xét - dự đoán - chứng minh) mà thường chỉ dạy... lời giải. Điều này kiến giải tại sao nhiều học sinh đạt thành tích cao sau này bị thui chột, không phát triển được nữa.
Trung thực, tự do học thuật, lấy sự phát triển chung làm động lực, đó là những yếu tố quan trọng của một hệ sinh thái tốt, phù hợp cho sự phát triển tài năng. Thế nhưng bệnh thành tích đôi khi đã phá hỏng cả.
Hiện tượng kèn cựa, ganh đua giữa các đơn vị là khá phổ biến. Có tỉnh có hai trường chuyên, không có đội tuyển chung, làm gì cũng riêng cho nên không khí căng thẳng và không tập trung được lực lượng vốn đã mỏng.
Có những cuộc thi người ta phải bốc thăm để chọn người ra đề, vì ai được ra đề thì học sinh sẽ được lợi thế lớn. Chủ nhà thì cứ như chủ nhà SEA Games. Thiếu trung thực như thế làm sao mà phát hiện, động viên bồi dưỡng nhân tài?
Cả nước ta mắc bệnh thành tích và các trường chuyên cũng vậy. Vậy thì sao ta vẫn có những tài năng thật sự, chẳng hạn như Phan Thành Nam hay Lê Quang Nẫm?
Đó là vì ngay cả cách làm "mì ăn liền" vẫn có thể tìm ra những tài năng thật sự và họ sẽ tiếp tục phát triển tốt khi được lọt vào các môi trường tốt hơn. Chẳng hạn vào các đại học tốt như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Bách khoa TP HCM hay các trường nước ngoài.
Mặt khác, cũng có những "ốc đảo" không bị bệnh thành tích đe dọa. Và ở những nơi đó, dĩ nhiên là hiệu quả đào tạo nhân tài, chứ không phải học sinh thành tích cao sẽ cao hơn. Một ví dụ là trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP HCM). Đặc điểm của trường này là chỉ chịu quản lý một phần từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM về chuyên môn, còn quản lý chính về mọi mặt là Đại học Quốc gia TP HCM.
Trường có thành tích thì Đại học Quốc gia TP HCM khen, còn kém thì cũng bị bơ đi. Bởi trường Phổ thông Năng khiếu bé tí, chỉ bằng một khoa trong trường thành viên Đại học Quốc gia TP HCM. Vài lần đi dự hội nghị của Đại học Quốc gia TP HCM, có khi cả buổi tôi không thấy nhắc đến trường. Nghe thì tủi thân lắm nhưng đó lại là điều may mắn.
Nói như thế để thấy các thầy cô ở trường Phổ thông Năng khiếu phát hiện và bồi dưỡng được nhiều nhân tài tương lai một mặt là nhờ cái tâm, cái tài của các thầy cô, còn nhờ việc áp lực thành tích không quá lớn như ở trường chuyên tỉnh.
Nói thật là cũng chính thầy cô ấy mà xuống trường chuyên tỉnh thì cũng thỏa hiệp hoặc đón nhận thất bại mà thôi. Sức ép thành tích không chỉ đến từ phía cấp trên.