Trả lời:
Bệnh nhầy nhớt (mucoviscidose) gây ra suy hô hấp và rối loạn tiêu hoá thường xuyên, hay gặp nhất trong số những bệnh về gene ở trẻ sơ sinh. Bệnh không lây nhưng mang tính di truyền từ cha mẹ sang cho con cái.
Hiện nay y học chưa thể chữa trị được bệnh nhầy nhớt và số bệnh nhân sống được tới tuổi 30 mới chỉ chiếm khoảng một nửa. Phương pháp điều trị hiện có chỉ nhằm chống lại sự ứ đọng chất xuất tiết ở các phế quản, sự viêm nhiễm, nhiễm khuẩn đường hô hấp và cải thiện tình trạng suy chức năng tuyến tụy. Khi tình trạng suy hô hấp của trẻ đã trở nên nghiêm trọng thì có thể phải can thiệp bằng phẫu thuật thay thế phổi. Tuy nhiên những người cho phổi không nhiều và hiếm khi bệnh nhân được hưởng cơ hội này. Hơn nữa sự loại trừ mảnh ghép là rất lớn nên ghép phổi chỉ là giải pháp cuối cùng.
Ngày nay, người ta đã tìm ra phương pháp đáng tin cậy để phát hiện bệnh nhầy nhớt ở trẻ sơ sinh. Chỉ cần lấy một giọt máu ở gót chân trẻ sơ sinh, xác định nồng độ trypsine immuno reactive và dùng kỹ thuật sinh học phân tử để tìm trong đó gene gây bệnh. Phương pháp này đã được áp dụng ở một số nước và nhờ nó, người ta đã phát hiện được 95% trẻ sơ sinh bị bệnh nhầy nhớt. Những trẻ này sẽ được quản lý tại các trung tâm chăm sóc đặc biệt có nhiều bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau. Sở dĩ phải làm như vậy là vì càng chăm sóc tốt sớm thì càng phòng ngừa và làm chậm lại được quá trình suy sụp sức khoẻ của trẻ.
Trường hợp xảy ra với con chị chưa hẳn đã là bệnh nhầy nhớt mà có thể chỉ là nhiễm khuẩn đường hô hấp ngay từ trong tử cung. Chị hãy chờ ý kiến kết luận của bác sĩ đang điều trị cho cháu.
BS Đào Xuân Dũng, SK&ĐS