Trả lời:
Về mặt chứng cứ khoa học, hiện tại có rất ít bằng chứng để đưa ra đề nghị thay đổi kế hoạch hoá trị cho những người bệnh ung thư. Do đó, bác sĩ trực tiếp điều trị sẽ cân nhắc trên từng người bệnh cụ thể về nguy cơ tái phát hoặc tiến triển bệnh từ việc trì hoãn hay ngưng hoá trị so với lợi ích về hạn chế sự lây nhiễm của Covid-19.
Việc quyết định có nên trì hoãn điều trị hay không phụ thuộc vào mục tiêu điều trị, số chu kỳ hoá trị người bệnh đã hoàn thành, sự đáp ứng điều trị và tác dụng phụ mà người bệnh gặp phải trong quá trình điều trị...
Dưới đây là một số thay đổi trong kế hoạch điều trị mà bác sĩ có thể áp dụng cho bệnh nhân:
• Đối với những trường hợp hoá trị duy trì, người bệnh đáp ứng tốt thì tạm ngưng hoá trị có thể là một lựa chọn.
• Một số người bệnh có thể được chuyển từ hoá trị đường tĩnh mạch sang hoá trị đường uống để giảm tần suất đến bệnh viện.
• Người bệnh đang sống tại những khu vực cách ly hoặc trung tâm ung thư đang bị phong toả: có thể được cho nghỉ ngơi khoảng 2 tuần hoặc được cuyển đến một trung tâm/bệnh viện khác không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để điều trị được liên tục.
• Một số trường hợp bác sĩ có thể sử dụng thêm các thuốc kích thích tăng trưởng bạch cầu cũng như kháng sinh dự phòng để làm giảm các biến chứng liên quan đến nhiễm Covid-19.
Do đó, bạn cần liên hệ với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn cụ thể. Trong trường hợp cần phải tái khám, trước khi đến bệnh viện, người bệnh cần liên hệ trước với bệnh viện, khoa phòng hoặc bác sĩ điều trị để được tư vấn. Quy trình tiếp nhận, sàng lọc người bệnh tại bệnh viện và kế hoạch điều trị hoá trị của người bệnh có nhiều thay đổi để thích nghi với tình hình diễn biến của dịch Covid-19.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lâm Quốc Trung
(Khoa Hóa trị ung thư - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM)