Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, kết quả kiểm tra việc thực hiện thông tư về dinh dưỡng và tiết chế tại bệnh viện cho thấy vẫn còn nhiều việc phải chấn chỉnh và tiếp tục hoàn thiện.
Cụ thể, chỉ khoảng nửa số bệnh viện trong cả nước có phòng khám, tư vấn dinh dưỡng; khu bếp chế biến và cung cấp suất ăn đúng quy cách liên hoàn chỉ đạt 66,6%. Gần 20% bệnh viện chưa đảm bảo hệ thống nước sạch, hơn 72% bệnh viện có nhà ăn riêng cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Cũng theo ông Khuê, có đến hơn nửa khoa/tổ dinh dưỡng của các bệnh viện chưa đủ dụng cụ chuyên dụng phục vụ công tác khám chữa bệnh; hơn 80% bệnh viện chưa có sẵn phương tiện kiểm tra vệ sinh dụng cụ mẫu kiểm tra nhanh vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một khiếm khuyết lớn ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ dinh dưỡng cho người bệnh là có đến gần 30% bệnh viện chưa có tổ hoặc khoa dinh dưỡng, hoặc nếu có thì người phụ trách dinh dưỡng chưa có chuyên môn (chỉ khoảng 45% là bác sĩ, còn lại là nữ điều dưỡng, hộ sinh). So với các địa phương trong cả nước, TP HCM là nơi thực hiện tốt nhất công tác dinh dưỡng cho người bệnh. Kiểm tra sau 3 năm cho thấy 97% bệnh viện ở thành phố này đã có khoa/tổ dinh dưỡng, chất lượng cán bộ dinh dưỡng trong mỗi bệnh viện cũng được nâng cao, song cũng tồn tại không ít hạn chế.
Bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM cho biết, việc đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho bệnh nhân nội ngoại trú và xây dựng kế hoạch can thiệp dinh dưỡng, cung cấp suất ăn chưa thực hiện đầy đủ. "Nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ công tác dinh dưỡng còn thiếu hụt. Một số bệnh viện giao khoán việc chế biến suất ăn bệnh lý cho căng tin nên chưa đảm bảo chất lượng chuyên môn", bà Diệp nói.
Tại Đồng Tháp, đại diện bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết có khoa dinh dưỡng, hàng tháng trên 3.000 suất ăn theo chế độ bệnh lý được mang đến tận giường cho bệnh nhân, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn. Tình hình dịch bệnh luôn quá tải nên công tác dinh dưỡng chưa chú trọng; bác sĩ dinh dưỡng chưa được đào tạo chính quy nên chưa tạo được niềm tin. Ngoài ra, người bệnh cũng chưa ý thức được tầm quan trọng của việc ăn để hỗ trợ điều trị, mà chỉ tập trung vào thuốc.
Năm 2011, Bộ Y tế ra thông tư hướng dẫn về công tác dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện, thông tư yêu cầu các bệnh viện tổ chức, đánh giá tình trạng dinh dưỡng và tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh ngoại trú. Với bệnh nhận nội trú, cơ sở y tế phải ghi chế độ ăn bệnh lý vào y bạ hoặc đơn thuốc điều trị ngoại trú.
Theo thông tư này, bác sĩ điều trị đánh giá và ghi nhận xét tình trạng dinh dưỡng của người bệnh lúc nhập viện và quá trình điều trị. Bác sĩ chỉ định chế độ ăn hàng ngày phù hợp với bệnh của bệnh nhân và ghi mã số chế độ ăn theo quy định của Bộ Y tế vào phiếu điều trị trong hồ sơ bệnh án.
Cũng theo Bộ Y tế, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định chế độ ăn bệnh lý và được cung cấp suất ăn tại buồng bệnh. Bệnh viện cũng phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho thức ăn từ chế biến, bảo quản đến vận chuyển.
Thiên Chương