Bệnh nhân nam, 31 tuổi, ở huyện Thanh Oai, tiền sử khỏe mạnh, không phát hiện bệnh nền, nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, liệt nửa người phải. Người nhà cho biết, anh về nhà muộn, tắm rồi ngủ, sáng hôm sau hôn mê, được đưa vào Khoa cấp cứu, Bệnh viện 103.
Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Đình Đài, Chủ nhiệm khoa Đột quỵ, ngày 23/2 cho biết tình trạng người bệnh rất nguy kịch, huyết áp 197/130 mmHg, chụp cắt lớp có khối máu tụ lớn. Bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính mạch để loại bỏ nguyên nhân bất thường mạch máu. Kíp cấp cứu chẩn đoán người bệnh đột quỵ chảy máu não do tăng huyết áp. "Trường hợp này rất nguy cấp, nếu để lâu nguy cơ phù não, thậm chí tử vong", bác sĩ nói.
Theo bác sĩ Đài, bệnh nhân bị tăng huyết áp ở tuổi quá trẻ, kết hợp với yếu tố thuận lợi là tắm lạnh, trời rét buốt, làm khởi phát đột quỵ. Anh không dùng thuốc dự phòng do không biết mình bị bệnh. Trường hợp này bắt buộc phẫu thuật, sớm mở sọ để giảm áp lực khối máu tụ, "mục tiêu trước mắt cứu sống bệnh nhân, sau đó tính đến phục hồi chức năng". Do tình trạng quá nặng, người bệnh cần hồi sức tích cực, sẽ phẫu thuật sớm khi thể trạng cho phép.
Bệnh nhân nữ, 58 tuổi, ở Hà Đông, đau đầu, buồn nôn, nôn sau đó hôn mê, nhập viện với tiên lượng rất nặng. Người nhà cho biết, bà tiền sử tăng huyết áp nhưng không điều trị thường xuyên, uống thuốc không đều. Bác sĩ kết luận bệnh nhân đột quỵ chảy máu não do tăng huyết áp, yếu tố thuận lợi do thời tiết lạnh. Hiện, người bệnh đang điều trị tích cực nhưng tình trạng chưa cải thiện nhiều.
Theo bác sĩ Đài, đột quỵ não là bệnh xảy ra đột ngột, không thể dự báo trước. Đột quỵ có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp là yếu tố bất lợi khiến huyết áp tăng cao, dẫn tới lượng bệnh nhân đột quỵ gia tăng. Trong đó, số người đột quỵ chảy máu não tăng lên khoảng 50% trong các trường hợp đột quỵ.
Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận khoảng 5 người nhập viện, đa số diễn tiến nặng. Tuổi trung bình của các bệnh nhân khoảng trên dưới 66, tỷ lệ nam giới cao hơn nữ. Nhiều bệnh nhân khởi phát đột quỵ tại thời điểm đi vệ sinh ban đêm, rời nhà tắm, mở cửa ra ngoài lúc sáng sớm...
Bác sĩ Nguyễn Thành Trung (Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cũng cho biết số người đến khám, cấp cứu do bệnh lý tim mạch, đột quỵ tăng khoảng 10-15%. Đa số đều do huyết áp tăng vọt (tăng huyết áp cấp tính), suy tim trở nặng, bị mạch vành gây khó thở, đau ngực, độ tuổi chủ yếu từ 60-70, nhưng cũng có nhiều bệnh nhân chưa đến 50 tuổi. Một số trường hợp dù đang điều trị thuốc có thể xuất hiện cơn cao huyết áp vào đầu giờ sáng.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, số bệnh nhân đột quỵ chảy máu não nhập viện tăng gấp 2-3 lần. Các bệnh viện như Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng; bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh cũng ghi nhận lượng bệnh nhân mắc bệnh này gia tăng.
Theo bác sĩ Đài, thời tiết lạnh không trực tiếp gây đột quỵ. Song, khi lạnh đột ngột, cơ thể phải phản ứng với nó bằng cách nâng huyết áp lên, nguy cơ chảy máu não cao hơn, tính chất bệnh nặng hơn. Tình trạng này không chỉ ở người cao tuổi mà cả người trẻ từ 30 tuổi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu người mắc đột quỵ. Trong đó, khoảng 5 triệu người tử vong và 5 triệu người thương tật vĩnh viễn do đột quỵ, làm gia tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình và cộng đồng.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế ghi nhận mỗi năm nước ta ghi nhận thêm 200.000 ca đột quỵ, khoảng 50% trường hợp tử vong, nhiều người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh, vận động... Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, số lượng nam giới cao gấp bốn lần nữ giới. Trong đó, nhiều người bệnh không biết mình mang yếu tố nguy cơ, đến khi bị đột quỵ, đo huyết áp, thử đường huyết mới phát hiện.
Theo bác sĩ Trung, nhóm có nguy cơ cao bị đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim gồm người có thể trạng béo phì, ít vận động; người bị cao huyết áp, tiểu đường, tăng mỡ máu; người có tiền sử người thân bị tai biến, nhồi máu; bệnh nhân ung thư, mắc bệnh thận, phụ nữ có tiền sử bị tiểu đường thai nghén hoặc tiền sản giật,...
Các dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ với ba triệu chứng chính: Liệt nửa người (biểu hiện giơ hai tay bằng vai, một tay sẽ bị rơi xuống); liệt dây thần kinh số VII (méo miệng khi làm động tác nhe răng hoặc cười); rối loạn ngôn ngữ (hiểu được lời nói mà không diễn đạt được hoặc không hiểu lời người khác).
Một số biểu hiện khác như cảm giác tê bì nửa người (là tê một tay và một chân cùng bên cơ thể), mất thăng bằng (khó khăn khi đi lại), mất phối hợp vận động (vụng về khi cầm nắm đồ vật), mất trí trí nhớ đột ngột (quên tên người thân), không phân biệt được những điều đang xảy ra xung quanh... Khi ấy, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế ngay càng sớm càng tốt để điều trị.
Để phòng tránh đột quỵ trong mùa lạnh, nhất là những ngày rét đậm, rét hại, người có bệnh lý huyết áp cần kiểm soát tốt huyết áp, theo dõi các chỉ số thường xuyên, uống thuốc theo chỉ định, kiểm soát mỡ máu. Giữ ấm cơ thể khi ra ngoài trời lạnh, không nên dậy tập thể dục quá sớm. Nên chuyển việc tập thể dục buổi sáng sớm vào buổi chiều vì khi đó nhiệt độ ấm áp hơn và cơ thể đã có thích nghi trong ngày.
Tránh ngồi lâu một tư thế vì rất dễ hình thành những cục huyết khối bắn đi gây tắc mạch não, mạch vành, mạch phổi. Khi ngồi máy bay, ôtô dường dài, ngồi làm việc lâu..., tối đa 60 phút nên rời khỏi vị trí, vận động ép giãn cơ thể, vươn thở, co duỗi tay chân. Sau khi tỉnh giấc chưa vội tung chăn rời khỏi giường hoặc "lao" ra đường ngay. Hãy xoa lòng bàn tay bàn chân vào nhau hoặc khởi động cơ thể trong chăn trước khi đứng dậy.
Người mắc bệnh nền cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, tránh bỏ thuốc. Không ăn thừa quá nhiều calo, hạn chế mỡ động vật, bỏ thuốc, ăn nhiều rau củ. Tạo thói quen ăn sáng đủ đầy, ăn trưa vừa phải và ăn tối ít, ưu tiên ăn đồ luộc, hấp... Không dùng các chất kích thích như thuốc lá rượu bia; ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý.
"Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn, uống, đâm kim, chích lễ, dùng thuốc theo kinh nghiệm dân gian, vừa không có tác dụng, vừa gây nguy hiểm, làm chậm trễ thời gian vàng", bác sĩ khuyến cáo.
Khi xuất hiện ít nhất một trong ba triệu chứng liệt mặt, liệt chi, nói khó cần nghĩ ngay đến đột quỵ và đưa người bệnh đến viện cấp cứu trong vòng 4,5 giờ đầu càng sớm càng tốt.
Thùy An