Trước khi lên xe trở về nhà, chiến sĩ công an từng là "bệnh nhân 8944" chia sẻ đã hồi phục khoảng 70% sức khỏe, cảm ơn đến nhân viên y tế đã tận tình điều trị; đồng nghiệp luôn động viên, giúp đỡ anh về cả tinh thần và vật chất.
"Trong thời gian tôi bệnh, một số đồng nghiệp phải đi cách ly theo, ảnh hưởng đến công tác của đơn vị. Tôi rất mong mọi người thông cảm bỏ qua những thiếu sót cho tôi và gia đình. Tôi sẽ cố gắng rèn luyện sức khỏe và sớm hồi phục để quay lại đơn vị tiếp tục chống dịch, để người dân sớm trở về cuộc sống bình thường", anh tâm sự.
Trước khi mắc Covid-19, anh làm nhiệm vụ trực tại chốt Bệnh viện quận Tân Phú. Ngày 6/6, anh bị sốt, mệt và khó thở nên đi khám và được xét nghiệm sàng lọc, kết quả dương tính với nCoV. Sau đó, tình trạng bệnh diễn tiến diễn biến xấu dần, tổn thương phổi tiến triển, suy hô hấp nặng, tổn thương thận phải lọc máu và chỉ định can thiệp ECMO để duy trì sự sống.
Bác sĩ Trần Thanh Linh, phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân từng nguy kịch "không thua gì bệnh nhân 91" - viên phi công Anh trước đây. Anh cũng là ca nhiễm Covid-19 nặng đầu tiên phải đặt ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể) tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị và được xuất viện trong đợt dịch lần này.
Trong 4 tuần điều trị, bệnh nhân đã nhiều lần nhiễm trùng, phải sử dụng nhiều kỹ thuật hồi sức tích cực, như chạy ECMO, thở máy, lọc máu... Có những lúc tưởng chừng cơ hội cứu sống bệnh nhân rất mong manh, bác sĩ Linh nhớ lại.
Bác sĩ Linh chia sẻ, anh và các đồng nghiệp đã trải qua bốn đợt dịch, điều trị cho hàng trăm bệnh nhân Covid-19, đối mặt và trải nghiệm rất nhiều áp lực. Mặc dù đã có kinh nghiệm nhưng với chiến sĩ công an này, áp lực điều trị của y bác sĩ càng nặng nề hơn. Đây không chỉ là người bệnh mà còn là "đồng đội" của các anh không may bị phơi nhiễm khi ra tuyến đầu chống dịch.
"Đồng đội đã dũng cảm trên 'chiến tuyến', mình càng phải nỗ lực không thể để đồng đội hy sinh", bác sĩ Linh nói.
Các bác sĩ, điều dưỡng không chỉ túc trực ngày đêm, theo dõi diễn tiến bệnh sát sao, vận dụng mọi kinh nghiệm điều trị đã có để tìm ra hướng điều trị tốt nhất mà còn thường xuyên trò chuyện, động viên tinh thần người bệnh. Nhất là khi bệnh nhân bắt đầu tỉnh dậy, anh không nghĩ cho sức khỏe bản thân mà lo lắng cho người nhà, đồng nghiệp vì mình mà trở thành F1, không biết tình trạng sức khỏe ra sao, có bị lây nhiễm hay không. "Anh ấy luôn cảm thấy day dứt, mặc dù đây hoàn toàn không phải là lỗi do anh, nên chúng tôi cố gắng chia sẻ, để anh cảm thấy dễ chịu, lạc quan hơn", bác sĩ Linh kể.
Ngày 30/6, anh đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần một, tình hình sức khoẻ cũng dần hồi phục, được cai máy thở, cai ECMO, ngày 11/7, anh xuất viện. Hiện, bệnh nhân đi đứng bình thường nhưng khi gắng sức vẫn hơi mệt. Anh sẽ tự cách ly tại nhà thêm một tuần nữa, theo quy định của Bộ Y tế. Bác sĩ Linh dự đoán, không đầy một tháng nữa anh sẽ có thể trở lại công việc và sinh hoạt bình thường.
"Chúng tôi rất hạnh phúc vì những nỗ lực không ngừng nghỉ đã được đền đáp. Sự hồi phục này cũng là tin vui khích lệ tinh thần các bệnh nhân nặng", bác sĩ Linh nói.
Thư Anh