Bé thường xuyên ốm kể từ khi đi học mầm non, lúc gần ba tuổi. "Tôi thường mua khoảng ba ngày thuốc, nếu bé ngớt bệnh thì ngưng sớm khi chưa hết thuốc, ngược lại vẫn chưa khỏi thì mua uống thêm, đỡ tốn thời gian và tiền bạc bế bé đi chờ đợi bác sĩ", chị Hà nói.
Gần đây, bé sổ mũi nhiều nên nghẹt mũi, ho đờm, khò khè, sốt hơn 39 độ. Chị đưa bé đi khám được bác sĩ chẩn đoán viêm phế quản cấp và kê toa có kháng sinh. Bác sĩ dặn uống một tuần quay lại tái khám. Uống hơn ba ngày, con ngớt bệnh nên chị ngưng thuốc. Hơn một tuần ngày sau, bé bệnh trở lại, chị mua theo toa cũ uống thêm. Bé diễn tiến nặng dần, khó thở, phải nhập viện với biến chứng viêm phổi, bác sĩ cho rằng bé có dấu hiệu kháng thuốc kháng sinh.
Cách đây không lâu, một bệnh nhi 4 tuổi, ngụ Đồng Nai, được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố với chẩn đoán nhiễm trùng huyết nặng, viêm phổi nặng. Trước đó, bé phải lọc máu nhiều lần, thở máy tại bệnh viện địa phương. Do điều trị kháng sinh lâu, trẻ gặp phải tình trạng kháng kháng sinh, khiến hệ miễn dịch suy yếu.
"Bệnh nhi nhiễm vi khuẩn siêu đa kháng, đề kháng tất cả loại kháng sinh trong kháng sinh đồ tại bệnh viện, khiến y bác sĩ rất vất vả đối phó với bệnh", bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, thành viên kíp điều trị, cho biết. Trải qua gần hai tháng điều trị, tốn kém nhiều, bệnh nhi mới cai được máy thở, dần ổn định.
Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố, cho rằng trước đây khi đề cập đến vấn đề kháng kháng sinh, mọi người chỉ nghĩ đến những trẻ em hoặc người bệnh nằm viện lâu ngày, tiếp xúc với kháng sinh và vi trùng bệnh viện trong thời gian dài. Hiện nay, nhiều trường hợp ngoài cộng đồng, khi vào bệnh viện xét nghiệm vẫn cho kết quả có vi trùng kháng thuốc không thua kém.
Tiếp xúc với kháng sinh lâu dài, kéo dài, vi trùng sẽ gây ra đột biến chống lại kháng sinh, sau đó lan truyền nhanh trong cộng đồng, khiến kháng sinh dần mất vai trò. Chẳng hạn, nhiều vi khuẩn lao đang kháng tất cả loại thuốc hiện có, đôi khi kết hợp 5-6 loại mới điều trị cầm cự được. Nhiều vi trùng gây bệnh đường tiêu hóa cũng kháng tất cả kháng sinh, kể cả loại chích, gây hội chứng nhiễm trùng nặng, tổn thương đa cơ quan, không đáp ứng thuốc, dẫn đến tử vong. Một số vi trùng gây viêm họng, viêm tai có gene kháng thuốc lớn, không đáp ứng kháng sinh thông thường.
Nhiều phụ huynh đưa con đến viện khám, cho biết từng cho trẻ uống rất nhiều kháng sinh, bất cứ khi nào có biểu hiện liên quan đến nhiễm trùng như sốt, ho, sổ mũi, đau họng, tiêu chảy, hay có vết thương trên da... "Thói quen nguy hiểm và thường gặp" là một số người đi khám bác sĩ được cho toa uống khỏi, lần sau thấy trẻ bệnh tương tự sẽ đem toa tự đi mua thuốc về uống. Trong khi đó, việc tiếp cận kháng sinh ở các nhà thuốc rất dễ dàng, chỉ cần yêu cầu "cho vài ngày thuốc đau họng" là dễ dàng nhận được vài liều kháng sinh. Thậm chí, phụ huynh không biết con đang được uống kháng sinh, chỉ nghĩ rằng những thuốc đó có tác dụng chữa bệnh.
Một sai lầm nhiều phụ huynh hay gặp là cho trẻ đi khám, sử dụng kháng sinh theo chỉ định bác sĩ nhưng thấy chỉ cần uống thuốc 2-3 ngày thấy hiệu quả, khỏi rồi thì phụ huynh tự động ngưng thuốc, không uống đủ liều. "Điều này cũng là sử dụng kháng sinh sai, bừa bãi, ảnh hưởng hậu quả sau này của trẻ", bác sĩ phân tích.
Ngoài ra, nhiều người đã đưa trẻ đi khám bác sĩ này, được cho thuốc về uống nhưng chưa thấy đỡ nên hôm sau lại chuyển qua bác sĩ khác và cũng được cho đơn thuốc. Việc đổi thuốc liên tục không theo trình tự và lộ trình điều trị, đôi khi phối hợp cùng lúc nhiều loại với ý nghĩ càng nhiều thuốc hiệu quả càng cao nhưng thực tế sẽ làm sức khỏe trẻ ngày càng kém đi, đề kháng kháng sinh, dẫn đến vòng bệnh tật lẩn quẩn.
Bên cạnh nguyên nhân đến từ việc dùng kháng sinh vô tội vạ, việc kháng thuốc còn do sử dụng thịt gia súc, gia cầm. Theo thống kê từ các hiệp hội, tần suất tiếp xúc kháng sinh của người Việt khá nhiều do việc sử dụng kháng sinh cho động vật, gia cầm khá nhiều trong chăn nuôi. Khi ăn thịt, trứng, con người vô tình mang lượng kháng sinh vào cơ thể, lâu dài sẽ ảnh hưởng hệ thống vi sinh trong cơ thể, đối mặt với nguy cơ kháng thuốc mà không hề hay biết. Tỷ lệ nhiễm kháng sinh từ động vật sang người còn chiếm tỷ lệ khá cao thông qua tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi, chất thải của vật nuôi ra môi trường.
"Sử dụng bừa bãi kháng sinh không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà còn tác động lâu dài, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển, đề kháng của trẻ", bác sĩ phân tích. Trong cơ thể, hệ thống miễn dịch giúp huy động lực lượng chống các tác nhân bất thường xâm nhập, đồng thời ghi nhớ để giúp nhận diện nhanh, mạnh mẽ hơn, đáp ứng tốt hơn khi tác nhân đó xâm nhập lần sau. Khi dùng kháng sinh bừa bãi, chúng ta đã loại bỏ vai trò của hệ thống miễn dịch, phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố bên ngoài là thuốc. Dùng thuốc quá sớm, quá nhiều, vi trùng chưa kịp được nhận diện bởi hệ thống miễn dịch đã bị kháng sinh đó tiêu diệt. Vì vậy, khi tác nhân tấn công lần sau, hệ miễn dịch chưa được ghi nhớ để đáp ứng chống lại.
"Chúng ta đang cạn kiệt nguồn kháng sinh, rất ít thuốc mới được sản xuất trong khi vi trùng luôn thay đổi, chống đối lại những kháng sinh hiện có. Lạm dụng kháng sinh chính là tự tay cưa bỏ đi những vũ khí chống lại vi trùng, khiến việc điều trị, cứu chữa trẻ rất khó khăn", bác sĩ Nam nói.
Sự phát triển của vi khuẩn kháng thuốc nhanh hơn sự ra đời của thuốc mới, nhiều nhà khoa học thế giới đang đặt ra câu hỏi liệu nhân loại có bước vào "kỷ nguyên hậu kháng sinh", tức thời kỳ không còn kháng sinh để điều trị bệnh nhiễm trùng. Nghiên cứu kháng sinh thường tốn nhiều thời gian, bán không nhiều tiền, vài năm lại bị kháng thuốc nên số công ty tham gia sản xuất thuốc mới ngày càng ít.
Theo Bộ Y tế, hầu hết cơ sở y tế Việt Nam đang đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Nước ta đứng trong nhóm những nước có tỷ lệ kháng thuốc cao nhất thế giới. Phần lớn kháng sinh được bán không có đơn của bác sĩ trong khi những người bán thuốc lại thường không có kinh nghiệm.
Hàng năm, trên thế giới có hàng triệu người chết do kháng thuốc, trong đó có 1,4 triệu trẻ em. Nếu kháng thuốc, người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng ở tất cả các nhóm tuổi. Tổ chức Y tế thế giới dự báo đến năm 2050 chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100 nghìn tỷ USD và gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong trong mỗi năm. Hậu quả kinh tế của kháng kháng sinh được cho là nặng nề tương đương với khủng hoảng tài chính.
Bác sĩ khuyến cáo khi sức khỏe trẻ có vấn đề, phụ huynh cần đưa đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Chỉ mua và sử dụng kháng sinh theo đơn, theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Dùng kháng sinh đủ liều, đủ thời gian, không bỏ dở giữa chừng khi thấy sức khỏe khá hơn. Không sử dụng kháng sinh thừa của lần điều trị trước, hoặc thuốc theo đơn của người khác.
Phòng tránh lây nhiễm vi khuẩn bằng cách thường xuyên rửa tay, che miệng khi ho, hắt hơi, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn, hạn chế tiếp xúc người bệnh, tiêm chủng đúng hạn... Nâng cao sức khỏe để chống lại bệnh tật như tập thể dục thường xuyên, cung cấp dinh dưỡng đấy đủ chất, ngủ đủ giấc, rèn luyện thói quen sống lành mạnh.
Lê Phương