Hơn một tháng nay, bé trai ở Nghệ An thường xuyên đi ngoài, người gầy gò. Bé một tuổi, chỉ nặng 7 kg. Khám cho bé vào ngày 1/6, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, chẩn đoán bé bị tiêu chảy. Khai thác tiền sử cho thấy người nhà không kiểm tra và vệ sinh bình kỹ lưỡng trước khi pha sữa khiến trẻ nhiễm khuẩn.
Bé trai là một trong số hơn 200 bệnh nhi khám ngoại trú tại Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua. Bác sĩ Dũng cho biết đa phần bệnh nhi bị sốt virus, một số sốt xuất huyết, tiêu chảy, kiết lị, các bệnh hô hấp như viêm phế quản. Một số trẻ khác có bệnh mạn tính, không thể đi khám trong thời gian dịch Covid-19 nên bệnh trở nặng.
Hiện trẻ phải đi học vào mùa hè, khiến nguy cơ mắc bệnh tăng cao. Thời tiết quá nóng, trẻ dễ viêm họng, viêm phế quản, say nắng, say nóng. Một số bé tắm để giải nhiệt, hoặc thay đổi thời tiết từ nắng sang mưa, nên bị viêm phổi.
Nhiều trẻ ho, sốt vẫn phải đi học. "Chỉ cần một trẻ mắc bệnh hô hấp thì có thể lây cho cả lớp", bác sĩ Dũng cho biết.
![Người nhà chăm sóc bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Chi Lê.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2020/06/03/benh-nhi-dieu-tri-bach-mai-1-5542-1591173046.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xVYGbUOq3tA4UeixZq4d4g)
Người nhà chăm sóc bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Chi Lê.
Vì vậy, bác sĩ Dũng khuyến cáo phụ huynh lưu ý chăm sóc, giữ gìn sức khỏe cho trẻ. Nếu bé bị ho, sốt, nên cho nghỉ ở nhà để không lây bệnh cho bạn. Chú ý các biện pháp chống nắng, chống nóng cho trẻ khi ra đường. Nhà trường cân nhắc phương án thay đổi giờ học vào thời điểm ít nắng nóng, nếu có thể. Phòng học trang bị quạt hoặc máy điều hòa nhiệt độ, đảm bảo thông thoáng mát mẻ.
Ở khu vực phòng học, tập trung đông trẻ nhỏ, bác sĩ khuyến cáo không sử dụng quạt hơi nước. Lý do, quạt hơi nước tạo ra các hạt khí dung, khiến vi trùng, virus bám vào lưu hành trong không khí, gây bệnh.
Mùa nóng trẻ dễ bị tiêu chảy do ngộ độc thức ăn. Nhà trường, gia đình nên kiểm soát an toàn thực phẩm cho bé. Ngoài ra, trẻ tránh ăn quà vặt vì không đảm bảo vệ sinh, ăn đủ bữa để đảm bảo năng lượng học tập. Uống nước cách nửa tiếng một lần, hạn chế giờ chơi dưới nắng, tránh bị khát hoặc mất nước. Nên cho trẻ uống nước hoa quả để bổ sung nhiều khoáng chất và vitamin.
Bác sĩ Dũng lưu ý máy điều hòa trong phòng cần đặt nhiệt độ phù hợp với trẻ, không quá thấp hoặc quá cao. Có thể thử điều hòa nhiệt độ bằng cách đo thân nhiệt của trẻ, giảm nhiệt độ khi trẻ ra mồ hôi và tăng khi trẻ thấy lạnh. Phòng điều hòa cần thông gió để lưu thông không khí.
Không nên cho trẻ ngồi trong phòng điều hòa quá lâu, mà tăng cường tiếp xúc với thiên nhiên, không khí tự nhiên. Máy điều hòa thường xuyên vệ sinh để tránh tích bụi, gây dị ứng, viêm mũi ở trẻ.
Chi Lê