Thông tin được chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến chủ đề "Dự phòng viêm màng não do não mô cầu trong trạng thái bình thường mới – Đừng để trì hoãn trở thành mất mát", diễn ra vào ngày 4/5, được phát sóng trực tuyến trên Fanpage VnExpress. Chương trình có sự tham gia của TS.BS Nguyễn An Nghĩa - Phó khoa Nhiễm thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 và Uyên Bùi - đồng tác giả sách "Để con được ốm".
Trẻ dưới 5 tuổi nguy cơ nhiễm bệnh cao
Trong bối cảnh trẻ quay trở lại trường học hậu COVID-19, nhiều căn bệnh lây lan qua đường hô hấp, bao gồm viêm màng não do não mô cầu, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. TS.BS Nguyễn An Nghĩa cho biết, bệnh viêm màng não do não mô cầu là căn bệnh nhiễm trùng nguy hiểm ở màng não, màng bao bọc não và tủy sống, do vi khuẩn não mô cầu gây ra. Bệnh lây theo đường hô hấp, lây nhanh qua giọt bắn hoặc vật dụng có bám dính chất tiết của người mang mầm bệnh. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây nhiều biến chứng, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Nghĩa thông tin thêm, mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm bệnh viêm màng não, tuy nhiên, nguy cơ cao nhất nằm ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi và thanh thiếu niên từ 11 đến 17 tuổi. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong cao ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi và trẻ dưới 1 tuổi, kế đó là thanh thiếu niên. Với những trường hợp may mắn sống sót, vẫn có 10-20% bệnh nhân đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng như điếc, mất chi, tổn thương não.
Giải đáp câu hỏi làm thế nào để nhận biết và phân biệt triệu chứng của viêm màng não do não mô cầu, bác sĩ Nguyễn An Nghĩa cho biết, triệu chứng bệnh do nhiễm não mô cầu khởi phát đột ngột, thường chia thành 3 giai đoạn. Cụ thể, trong 8 tiếng đầu, bệnh nhân xuất hiện sốt, ho, đau cơ nhưng không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với bệnh cúm thông thường. Ở 8 tiếng tiếp theo, trẻ bắt đầu xuất hiện dấu hiệu đặc trưng hơn như tử ban hoặc xuất huyết, đau đầu, buồn nôn, sợ ánh sáng. 8 tiếng cuối là giai đoạn nghiêm trọng, trẻ thường rơi vào hôn mê, mơ sảng, mất ý thức, lúc này nguy cơ tử vong hoặc để lại biến chứng rất cao.
"Phụ huynh cần chú ý những biểu hiện nhỏ ở trẻ như quấy khóc vô cớ, ngủ quá nhiều kèm sốt (với trẻ nhỏ chưa biết nói), nôn ói, đau cơ nhiều bất thường, tay chân lạnh hơn bình thường, sốt cao đi kèm tử ban (chấm nhỏ màu đỏ) ở ngực, nách, hông, khớp tay chân để có sự can thiệp y tế kịp thời", TS.BS Nguyễn An Nghĩa khuyến cáo.
Tiêm vaccine tạo miễn dịch cộng đồng
Có con trong độ tuổi thanh thiếu niên và đã tiêm các mũi vaccine ngừa não mô cầu từ khi còn nhỏ, chị Uyên Bùi băn khoăn, với các biến chủng mới của bệnh, trẻ có cần tiêm nhắc hay tiêm thêm mũi vaccine ngừa não mô cầu có độ phủ rộng để bảo vệ trẻ tốt hơn không.
Giải đáp thắc mắc trên, bác sĩ An Nghĩa cho hay bệnh do nhiễm não mô cầu gây ra bởi 12 nhóm huyết thanh, trong đó có 5 nhóm huyết thanh gây bệnh chính (chiếm hơn 90%) là các nhóm huyết thanh A, B, C, W và Y. Tuy nhiên, giữa các nhóm huyết thanh phòng các chủng này không có phản ứng chéo, nên dù trẻ đã được chủng ngừa BC, vẫn hoàn toàn có thể nhiễm chủng A, W và, Y. Hiện nay, tại Việt Nam có vaccine tứ giá cộng hợp ngừa được 4 nhóm huyết thanh não mô cầu A, C, Y & W bên cạnh vaccine 2 thành phần nhóm huyết thanh B, C.
Trong đó, vaccine não mô cầu BC được sử dụng cho trẻ từ đủ 6 tháng tuổi trở lên. Liều tiêm gồm 2 mũi, mũi thứ 2 cách mũi đầu tiên khoảng 6 - 8 tuần. Còn đối với vaccine não mô cầu tứ giá cộng hợp phòng ngừa các nhóm A, C, Y và W, tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi với 2 liêu tiêm, mỗi liều cách nhau 3 tháng; với trẻ từ 2 tuổi trở lên chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất.
Cũng theo bác sĩ Nghĩa, dù không biểu hiện bệnh ra ngoài, thanh thiếu niên là nhóm tuổi có tỷ lệ người lành mang trùng cao, lên đến gần 24%, tương đương cứ trung bình 4-5 thanh thiếu niên sẽ có 1 người mang mầm bệnh. Do đó, nếu độ tuổi này được tiêm ngừa, sẽ giúp giảm tỷ lệ người lành mang trùng, từ đó hạn chế khả năng lây nhiễm cho người cao tuổi và trẻ nhỏ dưới 6 tháng sống cùng nhà. Đây cũng là cách để tạo ra miễn dịch cộng đồng.
Đồng thời, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm ngay khi có thể vì nguy cơ nhiễm bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào. Ngoài ra, vaccine phòng viêm màng não do não mô cầu được sản xuất để đảm bảo độ an toàn cao nhất nên phụ huynh có thể yên tâm cho con tiêm cùng lúc với những loại vaccine khác mà không lo giảm hiệu quả phòng ngừa.
Độc giả có thể xem thêm phần giải đáp thắc mắc về bệnh do nhiễm não mô cầu và lưu ý trong tiêm vaccine phòng ngừa bệnh tại đây.
Anh Ngọc