Trong chương trình tư vấn trực tuyến "Dự phòng viêm màng não do não mô cầu trong trạng thái bình thường mới - Đừng để trì hoãn trở thành mất mát" diễn ra ngày 4/5 trên fanpage của VnExpress, TS.BS. Nguyễn An Nghĩa - Phó khoa Nhiễm thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 đã giải đáp những thắc mắc của độc giả về triệu chứng, biện pháp phòng các bệnh do nhiễm não mô cầu.
- Thưa bác sĩ, đâu là triệu chứng sớm điển hình ở trẻ nhiễm bệnh viêm màng não do não mô cầu?
Những biểu hiện ban đầu ở bệnh do não mô cầu thường dễ nhầm lẫn với bệnh cảm cúm. Triệu chứng lâm sàng xảy ra đột ngột và thường gặp là sốt cao, buồn nôn, mệt mỏi, cáu gắt, chán ăn.
- Con của tôi nằm trong giai đoạn 4-6 tuổi nhưng chưa tiêm ngừa vaccine não mô cầu khi còn nhỏ, tôi nên cho cháu tiêm ngay hay đợi đến giai đoạn thanh thiếu niên?
Bệnh do viêm màng não mô cầu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phụ huynh nên chủ động cho trẻ tiêm ngừa càng sớm càng tốt, không cần đợi đến một thời điểm nhất định. Nếu trước đó trẻ chưa hoàn tất phác đồ chủng ngừa của vaccine 4 nhóm huyết thanh A, C, W, Y thì hiện tại là thời điểm phù hợp để trẻ nhận những mũi tiêm này.
- Ngoài thanh thiếu niên và trẻ nhỏ, độ tuổi nào cần tiêm vaccine não mô cầu?
Sau thanh thiếu niên, người trưởng thành và người cao tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh do nhiễm não mô cầu. Với thanh thiếu niên đã tiêm đủ các mũi vaccine não mô cầu cơ bản trước đó, có thể tiến hành tiêm nhắc bất cứ lúc nào, do nguy cơ nhiễm bệnh xảy ra ở mọi độ tuổi. Trong giai đoạn 11-24 tuổi, nếu trẻ đã được tiêm mũi nhắc tứ giá thì cơ thể đã đủ kháng thể và không cần tiêm thêm.
- Tiêm vaccine não mô cầu cùng lúc với vaccine của các loại bệnh khác có an toàn cho trẻ không? Có làm giảm tác dụng của vaccine không?
Hiện tại, những nghiên cứu khoa học và thực hành lâm sàng chưa ghi nhận trường hợp nào chống chỉ định tiêm nhiều loại vaccine cùng lúc, đặc biệt là vaccine phòng bệnh do nhiễm não mô cầu. Trong quá trình nghiên cứu và điều chế, vaccine não mô cầu được tinh lọc để đảm bảo độ an toàn cao nên phụ huynh có thể yên tâm cho trẻ tiêm cùng lúc với những loại vaccine khác mà không lo giảm hiệu quả phòng ngừa.
- Khi tiêm vaccine não mô cầu, trẻ có nguy cơ gặp tác dụng phụ nào hay không?
Tác dụng phụ thường gặp chung ở trẻ khi tiêm vaccine là sưng đau hoặc phát ban ở vị trí tiêm, mệt mỏi, chán ăn... Những triệu chứng này thường chỉ giới hạn trong vòng 24 – 72 giờ. Tuy nhiên, sau khi trẻ tiêm ngừa, phụ huynh cần quan sát phản ứng của trẻ. Nếu thấy trẻ có phản ứng lạ, phụ huynh cần liên hệ trung tâm tiêm chủng, tư vấn với chuyên gia y tế để biết thêm thông tin.
- Nếu trẻ vừa hoàn thành mũi vaccine phòng Covid-19 thì bao lâu trẻ có thể tiêm những loại vaccine khác như vaccine não mô cầu?
Với tình hình dịch bệnh phức tạp như hai năm qua, đây là băn khoăn chung của nhiều phụ huynh. Hãy xem xét tình hình sức khỏe của trẻ sau khi giai đoạn nhiễm Covid-19, nếu trẻ có biểu hiện khỏe mạnh thì lúc này phụ huynh có thể cho trẻ tiêm vaccine phòng viêm màng não do não mô cầu.
- Lịch tiêm vaccine viêm màng não do não mô cầu cho trẻ như thế nào?
Thị trường hiện nay đang có 2 loại vaccine não mô cầu, gồm vaccine não mô cầu 2 thành phần huyết thanh B&C và vaccine não mô cầu 4 nhóm huyết thanh A, C, Y và W (vaccine tứ giá cộng hợp).
Đối với vaccine não mô cầu B&C, trẻ tiêm 2 liều, bắt đầu từ lúc 6 tháng, liều 2 cách liều 1 tối thiểu từ 6-8 tuần.
Đối với vaccine não mô cầu tứ giá cộng hợp A, C, Y và W, trẻ từ 6 tháng tới dưới 2 tuổi tiêm 2 liều, cách nhau 3 tháng. Tiêm 1 liều với người từ 2 tuổi trở lên. Sau các mũi tiêm cơ bản, trẻ nên được tiêm nhắc trong độ tuổi từ 11-17 để duy trì kháng thể.
Viêm màng não do não mô cầu là nỗi "ám ảnh" của các bác sĩ từng trực tiếp thăm khám và điều trị. Bệnh diễn tiến nhanh và có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ ai, tuy nhiên, nhóm thanh thiếu niên vẫn là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh và tử vong cao thứ hai sau nhóm trẻ dưới 5 tuổi.
Với các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, có thể ngăn ngừa bằng cách rửa tay, đeo khẩu trang, che mũi miệng khi ho... đồng thời tiêm vaccine đầy đủ để tăng cường hiệu quả phòng bệnh.
Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn trực tuyến tại đây.