Tháng trước, một người phụ nữ 44 tuổi ở Bắc Kạn bất ngờ phát bệnh dại với các triệu chứng co giật tay chân, hoảng hốt, chảy nước dãi, sợ gió, sợ ánh sáng, buồn nôn, nôn khan liên tục, rùng mình từng cơn. Bệnh nhân tử vong vài ngày sau đó vì chuyển biến xấu và không cách nào cứu chữa. Theo thông tin từ gia đình, bệnh nhân bị chó cắn khoảng 4 năm trước nhưng không tiêm vaccine phòng dại.
Theo BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, dại là bệnh có tỷ lệ tử vong trên số ca mắc cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm (hầu như 100% bệnh nhân tử vong khi lên cơn dại). Thời gian ủ bệnh dại ở người thông thường từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm (sau khi bị chó, mèo có mang virus dại cắn, cào, liếm vào vết thương hở). Tuy nhiên cũng có những trường hợp thời gian ủ bệnh kéo dài tới một vài năm. Nhiều trường hợp tử vong sau nhiều năm bị chó cắn. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn. Vết cắn càng nặng và gần cơ quan thần kinh trung ương thì càng nhanh phát bệnh.
Tại văn bản 5396 ngày 29/9/2022 về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh dại, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết bệnh dại vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hàng năm thế giới có trung bình 60.000 ca tử vong do dại.
Tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2021, trung bình mỗi năm có 76 người tử vong do bệnh dại, đã giảm 15% so với giai đoạn 2012-2016 (trước khi phát động mục tiêu loại trừ bệnh dại). Tuy nhiên, 10 tháng đầu năm 2022, dịch bệnh dại xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về bệnh dại. Trong đó, tỉnh Bến Tre có 12 ca tử vong do dại (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021), tỉnh Kiên Giang có 5 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 ghi nhận 1 ca), tỉnh Gia Lai ghi nhận 4 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 không có ca tử vong).
Theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn còn ca tử vong do dại bởi nhiều nguyên nhân, trong đó tỷ lệ đàn chó nuôi nhiều nhưng không quản lý được. Chó nuôi thả rong, không rọ mõm, tỷ lệ tiêm phòng chưa cao. Báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại chỉ đạt khoảng 40% tổng đàn chó, mèo. Trong khi đó, để ngăn chặn bệnh dại lây sang người, cần đạt tỷ lệ tiêm phòng trên động vật ít nhất 70% trong 2 năm liên tiếp. Bên cạnh đó, nhận thức về bệnh dại và vaccine phòng dại của một bộ phận người dân còn hạn chế dẫn đến không điều trị hoặc điều trị dự phòng không đúng cách sau khi bị phơi nhiễm. Riêng tại các tỉnh phía Nam, 10 tháng đầu năm 2022 có 20 ca tử vong do bệnh dại và 25 ổ dịch dại ở động vật.
Do đó, để đạt được mục tiêu năm 2030, cần gia tăng được nhận thức của người dân; đăng ký và giám sát đàn chó, mèo; tiêm vaccine phòng dại đầy đủ cho chó, mèo; không thả rong chó, tuân thủ rọ mõm khi thả chó ở khu vực công cộng. Đặc biệt, cần tuyên truyền giúp người dân hiểu được tiêm vaccine phòng dại là biện pháp duy nhất có hiệu quả trong phòng chống bệnh dại và tử vong do dại ở người.
BS Bạch Thị Chính cho biết, ngay sau khi phơi nhiễm virus dại, nếu không tiêm vaccine kịp thời, triệu chứng đầu tiên của người bệnh là đau đầu, sốt, mệt mỏi, tê và đau ngay tại vết thương. Khi virus xâm nhập sâu vào não bộ (thể viêm màng não), người bệnh bắt đầu có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, mắt long sòng sọc, tăng tiết nước bọt, hạ huyết áp. Bệnh tiến triển đến mức người bệnh không thể uống nước, không nuốt được, ăn uống trở nên cực kỳ khó khăn. Ở thể này, người bệnh sẽ tử vong chỉ sau một tuần kể từ ngày phát bệnh.
Thể bại liệt ít gặp hơn, khiến người bệnh tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiểu, rối loạn đại tiện, liệt tay, chân. Người bệnh sẽ tử vong ngay nếu liệt lan đến cơ hô hấp. Khi phát dại, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn cho đến lúc tử vong.
Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó ngay sau khi bị chó, mèo cắn, liếm vào vết thương hở, người dân cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước chảy kết hợp với xà phòng liên tục trong 15 phút. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine, tuyệt đối không cố gắng nặn máu. Nếu bị cắn ở vùng đầu, mặt, cổ, đầu ngón tay hoặc bất kể vùng gần hệ thần kinh trung ương, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để để tiêm phòng dại.
"Ngay cả đối với vết cắn nhẹ, người bệnh vẫn nên nhanh chóng tiêm vaccine dại để có kháng thể bảo vệ cơ thể. Tuyệt đối không chủ quan chó nhà cắn mà không tiêm vaccine. Người dân không dùng thuốc nam, lá cây hoặc các phương pháp dân gian để chữa bệnh dại", BS Chính khuyến cáo.
Hiện nay, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC có đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh dại, gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Đây là 2 vaccine tinh chế, phòng bệnh dại cho cả người lớn và trẻ em, sau khi tiếp xúc hoặc bị con vật nghi dại cắn, không có các tác dụng phụ gây hại đến hệ thần kinh hay trí nhớ so với vaccine dại thế hệ cũ.
Anh Ngọc