Trả lời:
Bệnh dại là tình trạng viêm não tủy cấp tính do virus dại gây nên. Cả động vật và người khi đã lên cơn dại đều bị tử vong.
Mọi loài động vật có vú đều nhạy cảm với bệnh dại; các loài vật mắc và truyền bệnh dại là chó (80%), mèo (10%) và một số loài vật có sừng. Chúng truyền bệnh sang người chủ yếu qua nước bọt ở vết cắn. Nước bọt của người mắc bệnh dại cũng có virus dại, nhưng số lượng ít nên chưa gặp trường hợp lây bệnh từ người sang người.
Ở người, thời kỳ ủ bệnh là từ 2 tuần đến nhiều tháng, thậm chí hàng năm (phụ thuộc vào độ sâu của vết cắn, nơi bị cắn gần hay xa não, có nhiều hay ít các đầu mút thần kinh, độ dày của quần áo nơi bị cắn rách).
Bệnh khởi phát với các triệu chứng: tại vết cắn có biểu hiện ngứa, cảm giác kiến bò và đau. Người bệnh có vẻ u sầu, bồn chồn, lo lắng kèm theo sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn. Sau đó là trạng thái kích động tâm thần và vận động: nói luôn miệng, muốn chạy trốn, có hành động bạo lực, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ nước, một kích thích tối thiểu cũng có thể gây co thắt thanh quản và đau họng. Bệnh nhân sợ nước, sợ gió, chỉ nhìn cốc nước đưa tới miệng, hoặc có cơn gió thoảng qua, bệnh nhân đã hoảng hốt và lên cơn, thở giật mạnh từng hồi. Trong cơn dại, bệnh nhân phá phách, xé quần áo, chăn màn, đâm đầu vào tường, có khi cắn xé; đồng tử giãn không đều, chảy nhiều nước dãi, toát mồ hôi. Sau 4-5 ngày, bệnh nhân có thể tử vong đột ngột do ngạt thở, ngừng tim hoặc bị liệt rồi tử vong (hiện chưa có thuốc chữa bệnh dại đã lên cơn).
Khi bị động vật nghi dại cắn hoặc liếm vào vết thương, phải đến ngay cơ sở y tế để được sơ cứu bằng cách hút sạch máu ở vết cắn, rửa vết cắn bằng nước xà phòng đặc, sát khuẩn bằng cồn hoặc ête để diệt virus. Không bôi thuốc đỏ, không khâu vết thương. Sau đó, cần tiêm huyết thanh chống uốn ván và dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn.
Căn cứ vào các yếu tố chẩn đoán và tình trạng, vị trí vết cắn, cán bộ y tế sẽ giới thiệu bệnh nhân đến trạm phòng dại để tiêm huyết thanh kháng dại kịp thời (tạo miễn dịch thụ động), đồng thời tiêm vacxin phòng dại (tạo miễn dịch chủ động).
BS Hoàng Thủy, Sức Khỏe & Đời Sống