Chiều 16/6, ôtô giường nằm 37 chỗ của tài xế Văn Vị rời bến xe Miền Đông mới về Hải Dương, trên xe chỉ 5 khách. Họ đều là những người được nhà xe đón ở bến xe Miền Đông cũ, cách đó hơn 15 km tại quận Bình Thạnh rồi qua bến mới làm thủ tục xuất phát.
Ngoài ôtô của ông Vị, khu vực nhà chờ trong bến xe không một bóng khách, chỉ có bảo vệ cùng một số nhân viên. Các băng ghế được lắp đặt hiện đại, sạch sẽ nhưng không có khách ngồi chờ. Phía dưới, hầm xe rộng hàng nghìn m2 cũng chỉ khoảng 10 xe máy, đa phần của nhân viên làm việc tại bến...
"Bến mới xa nội đô nên hầu như khách không đến mua vé mà vẫn qua bến cũ mua", ông Vị nói và cho biết theo quy định, xe chạy đường dài Bắc - Nam như tuyến của ông chỉ được đón khách ở bến mới. Tuy nhiên do khách không có nhu cầu đi tại đây nên đơn vị phải dùng ôtô trung chuyển từ bến xe cũ đến địa điểm mới để xuất phát.
Cũng như ông Vị, một nhà xe chạy tuyến TP HCM - Hà Nội nói bến xe Miền Đông mới hoạt động gần hai năm nay luôn trong cảnh vắng người, thậm chí cả cao điểm đi lại dịp Tết Nguyên đán cùng lễ 30/4 mới đây. Xe ở bến mới đi các tỉnh thành cũng chủ yếu "ghé qua" để làm thủ tục, còn khách đều đón từ bến cũ hoặc dọc đường, bất chấp sai quy định.
Bến xe Miền Đông mới tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng, đưa vào khai thác tháng 10/2020. Năm tháng đầu vận hành, để tạo thói quen cho khách và doanh nghiệp, xe hoạt động trên 20 tuyến cố định từ TP HCM đến Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc được đón khách tại bến cũ rồi qua bến mới làm thủ tục. Tuy nhiên hơn một năm qua, bến mới mỗi ngày chỉ có khoảng 9-10 lượt xe xuất phát, bình quân mỗi chuyến chỉ 8 hành khách.
Một lãnh đạo bến xe Miền Đông cho biết nguyên nhân chính khiến lượng khách tại bến thấp là nhiều người ngại địa điểm này xa. Do vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn bán vé tại bến cũ và nhận đón khách ở bến mới. Có đơn vị dùng xe trung chuyển, nhưng cũng có trường hợp lách quy định trực tiếp đón khách ở bến cũ.
"Chưa kể nhiều nhà xe hoạt động ngoài bến cạnh tranh nhau nên sẵn sàng đưa đón khách gần nhà, trung chuyển tận nơi nên khách lựa chọn thay vì chạy xa", đại diện bến xe nói.
Ngoài ra, việc kết nối giao thông đến bến xe Miền Đông mới chưa đồng bộ cũng là một nguyên nhân. Hiện, ôtô ra vào bến đều phải chạy vòng về cầu Đồng Nai hoặc qua đường Hoàng Hữu Nam phía sau, cách đó vài km mà chưa có đường để xe quay đầu ra vào trực tiếp.
Cũng theo đại diện bến xe, bến cũ hiện còn hơn 100 tuyến chạy các chặng ngắn về khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên... Sau khi hạ tầng kết nối đồng bộ, bến sẽ tiếp tục lên phương án cụ thể dời các tuyến ra bến mới. Bến xe Miền Đông cũ hiện vẫn được quy hoạch là đầu mối trung chuyển khách nội đô kết hợp thương mại, dịch vụ, bãi đậu xe... Còn bến mới, ngoài vận tải hành khách còn kết hợp chức năng dịch vụ như kinh doanh bãi đậu, sửa xe; thương mại...
Nói về lý do khiến bến xe Miền Đông mới ế ẩm, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng, cho biết bến xe khi hoàn thành dự kiến được kết nối với Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuy nhiên tuyến đường sắt này chậm hơn dự kiến nên khách từ nội đô ra bến mới còn khó khăn.
"Sau khi tuyến metro vận hành, thành phố cũng sẽ hạn chế phương tiện vào bến xe Miền Đông cũ rồi từng bước tăng lượng khách tại bến mới", ông Bằng nói.
Cũng theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải thành phố, đoạn đường thuộc dự án cầu vượt, hầm chui trước bến xe sắp được khai thác sẽ giúp giảm giao cắt giữa các hướng đi trước bến xe. Ngoài ra, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 đoạn gần bến xe mới hoàn thành giúp kết nối giao thông tốt hơn.
Trong khi đó, một chuyên gia trong lĩnh vực vận tải cho rằng quy hoạch bến xe ở xa khu trung tâm là phù hợp trong bối cảnh hơn 10 năm trước, khi các loại hình đi lại, kinh tế, công nghệ... chưa phát triển.
Tuy nhiên, hiện các phương thức vận tải đa dạng, nhu cầu của khách cao hơn rất nhiều nên thành phố cần đánh giá lại tổng thể. Trong đó, ngành giao thông nên tính toán các hình thức trung chuyển phù hợp, tạo mạng lưới kết nối đến bến xe trong lúc chưa di dời hoàn toàn bến cũ.
Gia Minh - Thu Hằng