Thứ sáu, 20/9/2024
Thứ sáu, 24/5/2024, 17:18 (GMT+7)

Bên trong tàu săn cá voi 48 triệu USD của Nhật Bản

Tàu Kangei Maru của Nhật Bản có cơ sở để mổ, đóng gói, đông lạnh thịt cá và cả drone để phục vụ săn bắt.

Kyodo Senpaku, tập đoàn điều hành hoạt động săn bắt cá voi bằng tàu mẹ duy nhất trên thế giới, ngày 21/5 tổ chức lễ khởi hành cho chuyến đi đầu tiên của tàu Kangei Maru, xuất phát từ cảng Shimonoseki, tỉnh Yamaguchi.

Đây là tàu mẹ săn cá voi mới trị giá 7,5 tỷ yen (48 triệu USD) của Nhật Bản. Tàu dài 113 m rộng 21 m, có lượng giãn nước 9.299 tấn, tầm hoạt động 13.000 km, đủ để đến biển Nam cực, với đội thuyền viên hơn 100 người.

"Hãy mang về những con cá voi lớn! Hãy trở về an toàn!", Hideki Tokoro, chủ tịch Kyodo Senpaku, đọc thư của những đứa trẻ nhảy múa trong lễ khởi hành ngày 21/5.

Hideki Tokoro, chủ tịch Kyodo Senpaku, đón các phóng viên bên trong buồng lái của tàu Kangei Maru ở Tokyo ngày 23/5 với trang phục độc đáo. Ông đội mũ cá voi, mặc áo in họa tiết cá voi.

Tàu Kangei Maru xuất xưởng hồi tháng 3 để thay thế tàu săn tiền nhiệm Nisshin Maru sau ba thập kỷ hoạt động. Theo chủ tịch Tokoro, tàu mới lớn hơn, hiện đại hơn, có cơ sở chế biến cá voi, phòng riêng cho thủy thủ, wi-fi, thiết bị bay không người lái (drone).

Theo phương pháp đánh bắt bằng tàu mẹ, các tàu nhỏ hơn bắt cá voi bằng lao rồi đưa lên tàu mẹ để mổ. Nhật kỳ vọng săn khoảng 350 cá voi trong năm nay.

Trong ảnh là khu vực mổ cá dài 40 mét bên trong tàu Kangei Maru. Tàu có khả năng nâng xác cá voi nặng tới 70 tấn.

Tại khu mổ cá, thủy thủ sẽ xẻ thịt con cá bằng lưỡi dao lớn dài khoảng 30 cm gắn gậy gỗ. Các thủy thủ sẽ loại bỏ phần thừa, bằng khoảng 1/2 tổng trọng lượng con vật.

Khu vực băng chuyền bên trong khu mổ cá của tàu Kangei Maru.

Lưỡi dao mổ cá voi của các thủy thủ.

"Hãy cẩn thận, chúng cực kỳ sắc bén", chủ tịch Tokoro nói khi một thủy thủ tháo lưỡi dao khỏi gậy để cho các phóng viên xem.

Sau quá trình xử lý, thịt cá được chuyển đến phòng đóng gói để bảo quản trong các container đông lạnh.

Tàu có 40 container đông lạnh, mỗi container có sức chứa 15 tấn, sẵn sàng phân phối khắp toàn quốc sau khi về cảng.

Người Nhật săn bắt cá voi trong nhiều thế kỷ. Thịt cá voi là nguồn protein chính ở nước này trong thời hậu Thế chiến II, thậm chí còn là một phần trong thực đơn bữa trưa ngày nay tại các trường học ở Shimonoseki, địa phương có truyền thống đánh cá lâu đời.

Khu vực chứa drone, thiết bị được sử dụng để tìm cá voi.

Truyền thống săn bắt cá voi của Nhật Bản bị nhiều nhà bảo tồn quốc tế trên thế giới phản đối, cho rằng đây là hành vi tàn ác.

"Cá voi ăn những sinh vật biển vốn cũng là thức ăn của các loài khác. Chúng cũng cạnh tranh với con người. Nên chúng tôi cần loại bỏ một số cá thể để giữ cân bằng sinh thái. Đó là công việc và là sứ mệnh bảo vệ đại dương trù phú trong tương lai", chủ tịch Tokoro nói với các phóng viên.

Các nhà hoạt động phản đối luận điểm này, chỉ ra cá voi là loài sống lâu, sinh sản chậm nên không phải nguồn thức ăn bền vững.

Phòng ở của thủy thủ tàu Kangei Maru.

Ngư dân Nhật hiện được phép đánh bắt cá voi minke, bryde, sei, trong đó cá voi sei được xếp vào diện "có nguy cơ tuyệt chủng" trong Sách đỏ. Giới chức Nhật cũng đang xem xét đưa cá voi vây, loài động vật lớn thứ hai sau cá voi xanh, vào danh sách. Kangei Maru là tàu duy nhất có khả năng đánh bắt cá voi vây.

Hiện Nhật Bản là một trong ba quốc gia trên thế giới đánh bắt cá voi vì mục đích thương mại, cùng Na Uy và Iceland.

Ảnh: AFP