"Sau khi kiểm tra kết thúc tập trận, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Nga sẽ rời khỏi lãnh thổ Belarus", Bộ Quốc phòng Belarus ra thông cáo cho biết hôm nay, đề cập đến hoạt động huấn luyện quân sự quy mô lớn giữa quân đội hai nước đang diễn ra ở thao trường phía nam nước này, gần biên giới Ukraine.
Thông báo được đưa ra hai ngày sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố nước này sẽ "phản ứng nhanh chóng và dứt khoát" nếu Belarus cho phép Nga sử dụng lãnh thổ để đưa quân vào Ukraine, cáo buộc mà Moskva nhiều lần bác bỏ.
Đợt tập trận "Quyết tâm Đồng minh" được chia thành hai giai đoạn và sẽ kết thúc ngày 20/2. Giai đoạn đầu kéo dài đến ngày 9/2, trong đó quân đội Nga và Belarus sẽ thực hành triển khai lực lượng, thành lập các đơn vị tác chiến đặc nhiệm ở những khu vực nguy hiểm trong thời gian ngắn.
Những đơn vị này sẽ có trách nhiệm phòng thủ cơ sở hạ tầng then chốt và bảo vệ biên giới chung, đồng thời kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng trực chiến phòng không.
Trong giai đoạn hai, binh sĩ Nga và Belarus sẽ thực hành tình huống đẩy lùi các đợt tấn công từ nước ngoài, chống khủng bố và bảo vệ lợi ích quốc gia của hai nước.
Đợt tập trận được tổ chức trong bối cảnh căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine leo thang. Moskva đã điều quân và khí tài, trong đó có tổ hợp tên lửa phòng không S-400 và tiêm kích đa năng Su-35S, tới Belarus để tham gia diễn tập.
Đợt hiện diện của quân đội Nga tại Belarus khiến phương Tây lo ngại lực lượng Nga có thể tiến vào Ukraine từ ba hướng. Bộ Ngoại giao Mỹ từng cảnh báo đây có thể là "dấu hiệu cho thấy Nga đang chuẩn bị cho chiến tranh", đồng thời khẳng định "rất cảnh giác với mọi điều Nga đang làm".
NATO cáo buộc Nga điều khoảng 100.000 quân tới sát biên giới với Ukraine, bày tỏ lo ngại nước này có thể phát động một cuộc chiến tổng lực. Nga tuyên bố những cáo buộc này "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.
Quân đội Ukraine tuần trước nhận định Nga đang duy trì 127.000 binh sĩ và nhiều lữ đoàn tên lửa đạn đạo Iskander ở biên giới, lưu ý nhiều khu vực trọng yếu của nước này, trong đó có thủ đô Kiev, đều nằm trong tầm bắn tên lửa Nga.
Vũ Anh (Theo Reuters)