Sáng 21/1, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng mê, tím tái, ngưng thở, hai hôm trước. Các bác sĩ hỗ trợ hô hấp cho bé, tiêm thuốc giải độc naloxone, rửa dạ dày, dùng than hoạt tính.
Thuốc methadone tác dụng kéo dài đến 36 giờ nên bé được truyền thuốc giải độc liên tục. Hiện, bé đã tỉnh, tiếp tục thở máy, truyền thuốc giải độc và tập thở. Đây là lần đầu bệnh viện tiếp nhận trẻ ngộ độc methadone.
Methadone được dùng thay thế cho ma túy, đặc biệt là heroin, trong chương trình quản lý bệnh nhân cai nghiện. Người nghiện uống methadone sẽ đỡ lên cơn vật vã. Với người bình thường, thuốc có độc tính cao nên nếu ngộ độc dễ gây tử vong, nhiều trường hợp cứu được nhưng ảnh hưởng não, phải sống thực vật. "Trường hợp này gia đình đưa bé đến bệnh viện kịp thời, nếu không thì khó qua khỏi", bác sĩ nói.
Phó giáo sư Quang khuyến cáo gia đình có trẻ nhỏ cần kiểm soát thuốc. Đặc biệt, một số trường hợp được phát methadone về nhà uống thì phải bảo quản cẩn thận, tránh xa trẻ em vì thuốc có màu hồng giống nước ngọt nên dễ uống nhầm.
Bộ Y tế thí điểm cấp thuốc methadone cho người cai nghiện dùng tại nhà tại một số địa phương, từ năm ngoái, thay vì họ phải đến cơ sở y tế để uống. Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, Nguyễn Hoàng Long đánh giá cấp phát thuốc methadone dài ngày mang lại nhiều hiệu quả, tuy nhiên sẽ có một số rủi ro. Trong đó, trẻ em hoặc những người khác dùng nhầm thuốc là rủi ro nguy hiểm nhất đe dọa sức khỏe và sự an toàn, có thể dẫn đến tử vong.
Do đó, người nhận phải đáp ứng các điều kiện như có nơi cư trú ổn định; không trong quá trình điều trị các rối loạn tâm thần; có nơi bảo quản thuốc an toàn như hòm, tủ đựng thuốc có khóa.
Lê Phương