Bộ Y tế vừa thí điểm cấp thuốc methadone cho người cai nghiện các chất dạng thuốc phiện ở 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hải Phòng, thay vì họ phải đến cơ sở y tế để uống. Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, Nguyễn Hoàng Long đánh giá cấp phát thuốc methadone dài ngày mang lại nhiều hiệu quả, tuy nhiên sẽ có một số rủi ro.
Trẻ em hoặc những người khác dùng nhầm thuốc là rủi ro nguy hiểm nhất đến sức khỏe và sự an toàn khi cho người bệnh mang thuốc methadone về nhà. Người khác sử dụng nhầm thuốc, nhất là trẻ em, có thể dẫn đến tử vong.
Vì vậy, để giảm rủi ro này, người được mang thuốc về nhà phải có nơi cư trú ổn định; không trong quá trình điều trị các rối loạn tâm thần; có nơi bảo quản thuốc an toàn như hòm, tủ đựng thuốc có khóa.
Nhân viên y tế phải tư vấn cho người bệnh hiểu sự nguy hiểm của việc người khác uống nhầm thuốc, ghi các cảnh báo trên nhãn phụ lọ thuốc. Nhân viên y tế cũng phải tập huấn về cách xử trí khi người khác uống nhầm thuốc.
Mua, bán, trao đổi, đánh cắp methadone cũng là một rủi ro. Có nước đã ghi nhận tình trạng thuốc methadone bị đánh cắp bởi người nghiện khác.
Ông Long nhận định, để giảm rủi ro này, ngay từ khi sàng lọc cần phải đặt ra những tiêu chuẩn và điều kiện liên quan đến tuân thủ nội quy điều trị. Người vi phạm nguyên tắc cần có quy định xử phạt. Cán bộ y tế cũng cần tăng cường giám sát kiểm tra, thu hồi vỏ lọ thuốc đã qua sử dụng.
Tích trữ và cố tình dùng quá liều hoặc không đúng liều cho bản thân người bệnh, có thể gây ngộ độc hoặc không đạt được mục đích điều trị. Để giảm rủi ro này, biện pháp là tăng cường tư vấn cho người bệnh tuân thủ điều trị, các rủi ro do không tuân thủ, giảm số liều mang về, hủy việc mang thuốc về nhà.
Sử dụng methadone kết hợp với các thuốc khác, đặc biệt là nhóm thuốc an dịu như Benzodiazepines hoặc rượu và ma túy khá,c cũng có thể nguy hiểm cho người bệnh. Trong trường hợp này, nhân viên y tế phải tư vấn cho người bệnh, giám sát nước tiểu ngẫu nhiên...
Một số người tiêm thuốc methadone để "phê, sướng". Ông Long cho biết sử dụng thuốc methadone đường tiêm gây nguy hiểm đến tính mạng do thuốc dạng sirô và quá liều, nhiễm trùng tại chỗ hoặc đường máu do vệ sinh không đảm bảo.
Ông Long cho biết nhiều quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Trung Quốc, Myanma, Singapore, Malaysia, Indonesia...) và trên thế giới (Mỹ, Australia, NewZeland...) đã cấp phát thuốc methadone cho người bệnh mang về nhà. Các nước có cách quản lý và theo dõi người bệnh sử dụng thuốc theo đặc thù riêng. Ví dụ, Thái Lan áp dụng cách kiểm tra đột xuất từ Trưởng thôn hoặc y tế cơ sở. Ở Trung Quốc, mỗi lọ thuốc methadone người bệnh mang về nhà đều được kết nối với hệ thống phần mềm thông minh, khi lọ thuốc được mở nắp sử dụng, thông tin được báo lên phần mềm.
"Việc giám sát sử dụng thuốc methadone chủ yếu là để đảm bảo sự an toàn cho người bệnh và người nhà, tránh sử dụng thuốc sai mục đích", ông Long nói.