Người nhà cho biết bé xuất hiện khối phồng vùng bẹn trái, sờ nắn đau tức, nghĩ bị hạch đơn thuần nên không đưa bé đến viện ngay. Hôm sau, bé đau, sốt, mệt mỏi, không ăn. Bác sĩ chẩn đoán bé bị thoát vị bẹn nghẹt bên trái, chỉ định phẫu thuật.
Bác sĩ Đặng Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, ngày 20/2 cho biết khi nhập viện, phần ruột non bé đã bị hoại tử. Tình trạng thoát vị bẹn nghẹt hoại tử ruột có thể dẫn đến sốc nhiễm độc, nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phẫu thuật kịp thời. Hiện tại sức khỏe của bé ổn định, chăm sóc tại khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện đa khoa Hùng Vương.
Thoát vị bẹn ở trẻ em là bệnh lý bẩm sinh, không tự hết. Thoát vị bẹn nghẹt cần phải được chẩn đoán và xử lý nhanh chóng, bởi trong khoảng 6-12 tiếng, các tạng (ruột, mạc nối, buồng trứng, vòi trứng) bị nghẹt sẽ hoại tử gây viêm phúc mạc, tắc ruột, nhiễm trùng nhiễm độc, có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân và nguy cơ phải cắt bỏ phần hoại tử như đoạn ruột, mạc nối, buồng trứng, tử cung... Một số trường hợp có thể tổn thương tinh hoàn do mạch máu nuôi tinh hoàn bị chèn ép.
Thoát vị bẹn biểu hiện bằng một khối phồng vùng bẹn bìu ở bé trai và vùng gần âm môi ở bé gái. Khối phồng này thường to hơn khi bé khóc, rặn đại tiện hay vận động mạnh như chạy nhảy, thể dục. Khi trẻ nghỉ ngơi hay nằm, khối thoát vị có thể tự chui vào ổ bụng trở lại, lúc đó nhìn bé như bình thường. Đa số các bé nhập viện với tình trạng bứt rứt, quấy khóc kêu đau (trẻ lớn) và bỏ bú, nôn ói (trẻ nhỏ).
Để nhận biết trẻ bị thoát vị bẹn, phụ huynh để ý vùng bẹn của trẻ có một khối phồng căng cứng, sờ đau và có thể bé không cho sờ. Do đó, khi phát hiện có khối phồng bất thường vùng bẹn, bìu, cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện khám để được kịp thời điều trị.
Thùy Anh