Ở Việt Nam có tiêm vaccine phòng HPV cho bé trai không? Tôi có nên cho con trai tiêm không và nên tiêm khi nào? (Thành Luân, Hải Phòng)
Trả lời:
Tác động của HPV đến cơ thể của nam giới và nữ giới đều rất nguy hiểm. HPV lây phổ biến qua đường tình dục. Chúng phổ biến đến mức dù đối tượng quan hệ tình dục là nam hay nữ đều có thể bị lây nhiễm tại một thời điểm nào đó trong đời. Có nhiều chủng HPV khác nhau, đi kèm những yếu tố nguy cơ khác nhau. Trong đó, tuýp virus 16, 18 là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung ở nữ giới; tuýp 6 và 11 là nguyên nhân gây sùi mào gà, mụn rộp sinh dục ở cả nam giới và nữ giới. Mụn rộp sinh dục thường có hình dạng những cục u nhỏ hay một nhóm cục u ở vùng sinh dục. Kích thước mụn to, nhỏ khác nhau, có thể nổi trên bề mặt da hoặc có thể phẳng hoặc có hình dạng như bông cải.
Ngoài ra, HPV còn có thể gây một số bệnh khác như ung thư dương vật, hậu môn, ung thư hầu họng (bao gồm cả gốc lưỡi, amidan, khẩu cái mềm và thành sau họng). Chính vì những ảnh hưởng nghiêm trọng của HPV đến sức khỏe con người nên không chỉ nữ giới mà cả nam giới nên quan tâm đến việc tiêm vaccine phòng HPV.
Thực tế, tại một số nước phương Tây, các cơ quan y tế khuyến cáo nam giới nên tiêm phòng HPV từ năm 9 đến 26 tuổi, nên tiêm càng sớm càng tốt để đảm bảo miễn dịch cao, nhất là khi chưa quan hệ tình dục. Ngoài ra, nam giới và nữ giới bị suy giảm miễn dịch (bao gồm những người bị HIV/AIDS) cũng rất cần thiết tiêm phòng HPV nếu trước đó họ chưa được tiêm vaccine.
Hiện tại, vaccine phòng HPV có loại phòng 4 tuýp 6, 11, 16 và 18, với lịch tiêm gồm 3 mũi như sau:
Mũi 1: lần tiêm đầu tiên
Mũi 2: 2 tháng sau mũi 1
Mũi 3: 4 tháng sau mũi 2
Khi cần điều chỉnh lịch tiêm, mũi 2 phải cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng và mũi 3 cách mũi 2 tối thiểu 3 tháng.
Tiêm vaccine phòng HPV là biện pháp phòng bệnh an toàn, tiết kiệm và mang lại hiệu quả cao cho các đối tượng trong độ tuổi được khuyến cáo. Cần tiêm đủ liều, đúng lịch để đạt được hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.
BS Vũ Thiện Cơ
Phó Giám đốc Y khoa Miền Nam, Hệ thống tiêm chủng VNVC