Khoảng hai giờ sau, vết cắn đã sưng phù lan lên đến đầu gối. Người nhà ra vườn lùng bắt được con rắn mang đến bệnh viện cùng bé để bác sĩ xem.
Bác sĩ Danh Xâm Bách, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức, ngày 26/12 cho biết cắn bé là loài rắn lục đuôi đỏ. Bác sĩ trực cấp cứu cho bé dùng huyết thanh kháng nọc rắn lục, rửa vết thương, dùng kháng sinh ngừa nhiễm trùng, tiêm phòng uốn ván.
Hiện bé tỉnh, tổn thương tại vết cắn ngưng diễn tiến nặng thêm, giảm sưng nề. Bé tiếp tục được truyền huyết thanh kháng nọc độc.
Theo bác sĩ Bách, vài ngày trướcc bệnh viện cũng tiếp nhận nữ bệnh nhân 49 tuổi bị rắn lục đuôi đỏ cắn khi ra vườn trồng rau vô tình đạp trúng rắn. Vết cắn ở mu bàn chân phải làm bàn chân bà sưng phù, nóng, đau, sau đó bầm tím, sưng phù lan qua mắc cá chân. Sau khi xử trí cấp cứu, truyền huyết thanh kháng nọc độc, sức khỏe bà hiện ổn định.
"Ở Việt Nam, hai họ rắn độc chính là họ rắn hổ và họ rắn lục. Khi bị rắn cắn, không nên lùng sục, săn tìm rắn để mang đến cho bác sĩ vì sẽ mất thời gian chữa trị và gây nguy hiểm cho cả chính người nhà", bác sĩ Bách khuyến cáo. Các bác sĩ có thể dựa trên biểu hiện nhóm triệu chứng rắn cắn để nhận diện họ rắn nào, từ đó có hướng điều trị thích hợp.
Bác sĩ Bách chia sẻ, sai lầm phổ biến trong sơ cứu rắn cắn là rạch, hút nọc độc, buộc garo, bôi các chất lạ vào vùng bị cắn. Sơ cứu không đúng sẽ gây hại thêm cho người bị rắn cắn như nhiễm trùng, đoạn chi, thậm chí là tử vong.
Cách sơ cứu rắn cắn, đầu tiên là đưa nạn nhân rời khỏi hiện trường an toàn. Bệnh nhân phải hạn chế vận động, rửa, băng ép và nẹp cố định vùng chi bị rắn cắn nhằm hạn chế việc hấp thu nọc độc qua đường bạch huyết. Gọi cấp cứu ngoại viện 115, hoặc tự chuyển người bệnh đến bệnh viện cấp cứu, truyền huyết thanh kháng nọc độc rắn nếu có chỉ định. Việc sơ cứu ban đầu và dùng huyết thanh kháng nọc rắn phù hợp đóng vai trò rất quan trọng trong xử trí rắn cắn.