Bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) trong tình trạng tổn thương mu chân phải lan rộng, sưng nề đỏ, có dịch mủ màu vàng, hôi, hoại tử. Sưng nề lan lên hết cẳng chân phải.
4 ngày trước, người đàn ông này bất ngờ bị rắn cắn. Sau 4 ngày đắp lá và uống thuốc nam, vết thương không thuyên giảm mà càng nghiêm trọng hơn. Khi quá đau và đi lại khó khăn, bệnh nhân mới đến bệnh viện.
Tại viện, bệnh nhân được sơ cứu, sát khuẩn vết thương và được chỉ định các cận lâm sàng cần thiết. Bác sĩ chẩn đoán vết thương bàn chân bị nhiễm trùng, cần được chuyển khoa Hồi sức cấp cứu để điều trị nhiễm trùng.
Theo các bác sĩ, nhiều người sai lầm trong cách sơ cứu khi bị rắn cắn. Do sơ cứu không đúng cách, nhiều người nhập viện trong tình trạng rất nặng bị hoại tử một phần tay chân vì nhiễm trùng máu. Lỗi thường gặp là garo (cột dây) không đúng cách dẫn đến hoại tử các bộ phận cơ thể hoặc nhiễm trùng toàn thân, nhiễm trùng huyết do đắp các loại lá và uống thuốc nam…
Khi bị rắn cắn, cần giúp nạn nhân nằm yên, trấn an họ. Đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc. Rửa sạch vết thương bằng xà bông hoặc dung dịch thuốc sát khuẩn da, phủ lên vết cắn bằng gạc sạch, sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ khuyến cáo, không nên garo phía trên vết thương vì có thể gây hoại tử chi. Không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc ra vì gây chảy máu, nhiễm trùng và tăng hấp thu nọc độc. Không đắp thuốc bằng lá cây vì có thể gây nhiễm trùng vết thương, gây khó khăn trong việc điều trị sau này.