Bệnh nhi được đưa đến Trung tâm y tế huyện cấp cứu, xử trí ban đầu và chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh. Bố cho biết anh đi phun thuốc trừ sâu, còn một nửa lọ thuốc thừa mang về treo ở cột nhà. Cháu bé ở nhà trông em, thấy lọ thuốc giống với chai sữa nên lấy uống.
Tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, bé hôn mê sâu, suy hô hấp, tím tái, tăng tiết dịch hầu họng, co giật toàn thân, đồng tử hai mắt co nhỏ. Bác sĩ chỉ định đặt ống nội khí quản để thở máy hỗ trợ, bơm rửa dạ dày, truyền dịch, dùng thuốc nhuận tràng và các biện pháp điều trị chuyên sâu khác.
Sau hai ngày điều trị, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Hiện tại, bé đã cai được máy thở, tỉnh táo, tự thở được, tiếp tục theo dõi tích cực.
Bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, ngày 5/10 cho biết, ngộ độc cấp là tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, đứng sau các nguyên nhân khác như đuối nước, ngã, tai nạn giao thông. Ngộ độc ở trẻ em chủ yếu là do vô ý.
Trước đó, ngày 2/10, 17 em học sinh ở Lào Cai bị ngộ độc quả hồng châu. Trong đó, một em tử vong, 8 bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương với chẩn đoán suy gan cấp, rối loạn điện giải; 8 bé đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn, hiện tỉnh táo, sức khỏe ổn định, dần hồi phục.
Bác sĩ khuyến cáo, các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ là loại hóa chất cực độc, khi vào cơ thể gây tổn thương tất cả các cơ quan đường tiêu hóa, nghiêm trọng nhất là tổn thương phổi, sau đó xơ phổi tiến triển nặng dần và không thể hồi phục.
Ngoài ra, thành phần trong thuốc trừ sâu khác nhau nên tác động ngộ độc, triệu chứng biểu hiện của ngộ độc cũng khác nhau. Biểu hiện thông thường là buồn nôn và nôn, hô hấp khó khăn, kích động, buồn bực không yên, đau đầu, sưng phổi, sưng màng não, tim mạch dừng đột ngột, sốc, hôn mê...
Cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng thuốc trừ sâu. Khi phun thuốc, phải quay lưng đi lùi lại với chiều gió không để thuốc tạt vào người, mang khẩu trang loại chuyên dùng chống độc, đeo kính, mặc áo nilông hay áo mưa dài tay.
Thuốc trừ sâu cần bảo quản, cất giữ ở nơi kín đáo, để xa tầm tay trẻ nhỏ, có thể khóa lại trong tủ. Đặc biệt, không dùng các chai đựng nước, chai bia, nước ngọt để đựng thuốc trừ sâu vì rất dễ uống nhầm.
Ngay khi phát hiện người bị ngộ độc thuốc trừ sâu, cần chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu giải độc, tăng tỷ lệ sống và phục hồi.
Thùy An