Bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu trong tình trạng hơi thở nồng nặc mùi thuốc trừ sâu. Các xét nghiệm cho thấy người bệnh bị suy đa tạng nặng nề, hôn mê sâu, suy hô hấp, tiên lượng tử vong cao.
Các bác sĩ nhanh chóng đặt ống nội khí quản kiểm soát đường thở, đặt sonde dạ dày, rửa dạ dày, loại trừ chất độc qua da, kết hợp các biện pháp điều trị tích cực như sử dụng thuốc vận mạch liều cao, lọc máu liên tục, cân bằng nước điện giải, kiềm toan...
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tuyền, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy, ngày 15/3 cho biết đây là trường hợp ngộ độc thuốc trừ sâu diễn tiến phức tạp hơn so với các ca ngộ độc thuốc trừ sâu hóa chất hữu cơ thông thường bởi tình trạng bệnh nhân nặng nề chỉ trong thời gian ngắn. Kíp cấp cứu phải liên tục hồi sức tích cực cho người bệnh trong 24 giờ.
Ngày điều trị thứ 10, người bệnh tỉnh táo và được rút ống nội khí quản. Hiện tại, bệnh nhân phục hồi sức khỏe tốt, không để lại di chứng sau hôn mê sâu, đủ điều kiện xuất viện.
Bác sĩ khuyến cáo, các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ là loại hóa chất cực độc, khi vào cơ thể gây tổn thương tất cả các cơ quan đường tiêu hóa, nghiêm trọng nhất là tổn thương phổi, sau đó xơ phổi tiến triển nặng dần và không thể hồi phục.
Ngoài ra, thành phần trong thuốc trừ sâu khác nhau nên tác động ngộ độc, triệu chứng biểu hiện của ngộ độc cũng khác nhau. Biểu hiện thông thường là buồn nôn và nôn, hô hấp khó khăn, kích động, buồn bực không yên, đau đầu, sưng phổi, sưng màng não, tim mạch dừng đột ngột, sốc, hôn mê...
Người dân cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng thuốc trừ sâu. Khi phun thuốc, phải quay lưng đi lùi lại với chiều gió không để thuốc tạt vào người, mang khẩu trang loại chuyên dùng chống độc, đeo kính, mặc áo nilông hay áo mưa dài tay.
Thuốc trừ sâu cần bảo quản, cất giữ ở nơi kín đáo, để xa tầm tay trẻ nhỏ, có thể khóa lại trong tủ. Đặc biệt, không dùng các chai đựng nước, chai bia, nước ngọt để đựng thuốc trừ sâu vì rất dễ uống nhầm.
Ngay khi phát hiện người bị ngộ độc thuốc trừ sâu, cần chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu giải độc, tăng tỷ lệ sống và phục hồi.
Thùy An