Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nơi trực tiếp điều trị cho con gái chị Lan, cho biết, đây là lần đầu bệnh viện cứu sống thai nhi bị ngộ độc thuốc sâu từ trong bụng mẹ. Loại thuốc trừ sâu này rất độc, mẹ uống vào là suy hô hấp ngay.
Ông Nguyễn Cầu Tiện, 60 tuổi, bố đẻ của Lan cho biết con gái ông bị bệnh động kinh từ lúc 3 tuổi sau một trận sốt cao, co giật. Bình thường một ngày, cô vẫn phải uống 2 viên thuốc chống co giật.
Sau 2 tháng điều trị, bé lên được 0,7 kg, bú bình. Ảnh: N.P. |
Vào khoảng cuối tháng 11/2011, trong một đêm sau khi lên cơn co giật, Lan sờ thuốc để uống thì uống nhầm phải lọ thuốc trừ sâu. Thấy con gái đạp chân vào giường, sùi bọt mép, thuốc sâu nồng nặc, ông vội vàng đưa con đến bệnh viện Sóc Sơn cấp cứu. Ngay sau đó, sản phụ được chuyển tới Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), phải thở máy luôn.
Phó giáo sư Dũng cho biết, khi đó sản phụ có thai ở tuần thứ 32 nên việc chạy chữa gặp rất nhiều khó khăn vì thuốc sẽ vào thai nhi. Vì thế, sau 2 ngày, thấy tình trạng của mẹ vẫn nặng, Bệnh viện đã hội chẩn liên khoa và quyết định mổ lấy thai. Ca mổ tiến hành vào ngày 1/12, em bé được chuyển sang phòng sơ sinh, khoa Nhi cấp cứu.
Bé cũng phải thở máy ngay lập tức vì bị suy hô hấp và bị thuốc sâu ngấm vào. Cái khó nhất trong việc chăm sóc là trẻ sinh non, thận rất kém vì thế bác sĩ phải tính toán truyền dịch rất kỹ để thận không bị ảnh hưởng nhưng lại thải độc ra nhiều nhất qua đường nước tiểu.
"Khi hội chẩn mổ, bác sĩ sản nghĩ chỉ cứu được mẹ. Nhưng đến giờ phút này thì có thể khẳng định thai nhi không còn ảnh hưởng gì của thuốc trừ sâu. Kết quả kiểm tra toàn bộ các chức năng đều thấy bình thường, não, phổi, gan thận tốt", phó giáo sư Dũng nói.
Điều các bác sĩ lo lắng nhất là việc chăm sóc bé về sau này, khi mẹ bé bị động kinh, ông ngoại thì tuổi cũng đã già, yếu chỉ làm nông. Dù bé đã có thể xuất viện, nhưng khoa vẫn đề nghị ông ngoại và mẹ ở lại viện một tuần để các y tá, điều dưỡng huấn luyện cách chăm sóc.
Nam Phương