Vương phi Kate ngày 11/3 phải lên tiếng xin lỗi công chúng, sau khi bức ảnh do Thái tử William chụp cô cùng các con gồm Hoàng tử George, Công chúa Charlotte và Hoàng tử Louis làm dấy lên tranh cãi vì một số điểm bất hợp lý.
Kate trước đó không xuất hiện từ sau buổi lễ ở nhà thờ dịp Giáng sinh và cô phải nhập viện thực hiện phẫu thuật vùng bụng hồi tháng 1. Hoàng gia Anh thông báo cô đang hồi phục tại Lâu đài Windsor và khó có thể thực hiện các nhiệm vụ hoàng gia trước ngày 31/3, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng sức khỏe của Vương phi.
Điều này làm dấy lên nhiều đồn đoán về sức khỏe của cô, nhất là trên mạng xã hội. Việc đăng bức ảnh gia đình dường như là nỗ lực của Điện Kensington nhằm dập tắt những tin đồn này, nhưng động thái lại bộc lộ những thiếu sót, bất cập của hoàng gia Anh trong thời đại kỹ thuật số.
"Trong môi trường thông tin ngày nay, bất kỳ hành động chỉnh sửa ảnh nào, dù chỉ một chút và không có ý định gây hiểu nhầm, đều có thể làm dấy lên sự hoài nghi", Chris Morris, giám đốc điều hành tổ chức kiểm chứng thông tin Full Fact, trụ sở London, Anh, nhận định.
Các hãng thông tấn quốc tế đã quyết định gỡ ảnh của Vương phi Kate ngay khi phát hiện những điểm nghi vấn, như tay trái Charlotte không khớp so với ống tay áo của cô bé hay khóa kéo áo của Vương phi Kate bị lệch. Sự cố càng làm gia tăng thuyết âm mưu trên mạng xã hội, khiến niềm tin vào hoàng gia Anh suy giảm.
"Sự phổ biến nhanh chóng của các công cụ chỉnh sửa ảnh đã thay đổi quy tắc cuộc chơi. Thuyết âm mưu nảy sinh từ những khoảng trống thông tin, do đó, nếu muốn được tin tưởng, bạn phải minh bạch", Morris nói.
Hiện chưa rõ ảnh gốc của Kate như thế nào. Hannah Perry, nhà nghiên cứu kỹ thuật số tại viện chính sách Demos, London, cho rằng việc xác định bức ảnh đã được chỉnh sửa thế nào là điều bất khả thi với công nghệ hiện tại.
Bê bối truyền thông này bắt nguồn từ một xu hướng đang gia tăng trong các thể chế ở Anh, từ hoàng gia cho đến các chính trị gia cấp cao. Họ thường kiểm soát chặt chẽ hình ảnh công khai của bản thân, thường chỉ tự chụp ảnh hoặc thuê nhiếp ảnh gia riêng và công bố những hình ảnh đã được xử lý cẩn thận.
Hoàng gia Anh trước đó thường mời nhiếp ảnh gia từ các hãng tin lớn như PA hoặc từ một nhóm phóng viên ảnh có tiếng để chụp ảnh chính thức vào các dịp quan trọng như sinh nhật, lễ kỷ niệm. Những buổi chụp ảnh như vậy thường được sắp xếp cẩn thận và mất nhiều thời gian, công sức của những người liên quan.
Tuy nhiên, Vương phi Kate thường chọn tự đăng ảnh gia đình. Việc này đi kèm rủi ro, trong bối cảnh công chúng ngày càng hoang mang với những hình ảnh do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra. Năm ngoái, bức ảnh cựu tổng thống Mỹ Donald Trump bị bắt đã lan truyền rộng rãi trước khi được xác định là ảnh giả do công nghệ AI tạo ra.
PA dẫn các nguồn tin hoàng gia cho hay sự cố bắt nguồn từ mong muốn của Vương phi Kate và Thái tử William về một bức ảnh thân mật của gia đình trong Ngày của Mẹ 10/3. Gia đình họ đã có một ngày Chủ nhật tuyệt vời hôm đó, nhưng việc chụp lại khoảnh khắc mọi người cùng cười với ba đứa trẻ hiếu động là gần như bất khả thi.
Bởi vậy, Vương phi Kate "đã có các chỉnh sửa nhỏ" để có bức ảnh mà cô cho là đẹp nhất. Điện Kensington sau đó cung cấp bức ảnh cho các hãng truyền thông, dường như với mong muốn đặt dấu chấm hết cho làn sóng đồn đoán về sức khỏe của cô, mà không lường được hệ quả của nó.
Matthew Usher, người đã chụp ảnh cho hoàng gia tại dinh thự Sandringham suốt 22 năm qua, cho rằng công nghệ chỉnh sửa ảnh thay đổi tinh vi đồng nghĩa mọi người "vốn đã hoài nghi về mọi hình ảnh" được công bố. Bởi vậy, ông cho rằng hành động của Vương phi Kate là sự "cẩu thả" không đáng có và hạn chế về công nghệ của một thành viên hoàng gia.
Chuyên gia quan hệ công chúng Mark Borkowski kêu gọi hoàng gia Anh sớm công bố ảnh gốc chụp Vương phi Kate cùng các con.
"Có thể cô ấy ở nhà và sử dụng công cụ AI, nhưng nếu thực sự muốn giành lại lòng tin từ công chúng, họ nên công bố ảnh gốc. Ảnh gốc có vẻ không quá tệ, nếu như họ chỉ chỉnh sửa vài chỗ", Borkowski nói, trong khi Cung điện Kensington thông báo họ sẽ không công bố ảnh gốc.
"Nhưng vấn đề là dường như hoàng gia không có tư duy chiến lược, dẫn đến tình huống rất khó quản trị về mặt truyền thông như hiện tại. Họ đang chịu áp lực lớn. Đây là một bàn phản lưới nhà", ông nhận định.
Usher cho rằng tranh cãi xung quanh ảnh của Kate cho thấy hoàng gia nên cân nhắc quay về phương án thuê nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp được công chúng tin tưởng. "Họ gây mất niềm tin và bị phát hiện. Với những lỗi chỉnh sửa ảnh dễ dàng nhìn thấy, họ đã tự đẩy bản thân vào thế khó và giờ đây phải tìm cách khắc phục", Usher nói.
Số khác cho rằng giới chức Anh cần có tầm nhìn rộng hơn. "Điều quan trọng là những người có thẩm quyền cần nhận ra các cạm bẫy và tác động tiềm ẩn từ việc chỉnh sửa ảnh đến niềm tin vào hệ thống thông tin của chúng ta", theo Perry.
Như Tâm (Theo Politico, Telegraph)