Ngày xửa ngày xưa, khi tôi đang đau đầu với việc làm hồ sơ thi vào đại học, chọn khối nào để thi, tìm cách tuyển thẳng... thì ba mẹ tôi cũng đau đầu không kém. Như các bậc phụ huynh khác, ba mẹ tôi lo khoản học phí, khoản chi phí khi con đi học, trong khi chuyện con mình có đậu đại học hay không cũng còn chưa chắc.
Bây giờ, khi ngồi đây loay hoay với bài toán nuôi con nhỏ, tôi cũng đang suy tính tới chuyện con vào đại học thì làm thế nào. Học phí ở các trường tư đắt đỏ ở Mỹ đã lên tới hơn 40 nghìn USD một năm, chưa tính tới chi phí ăn ở, và học phí chỉ có đi lên mà thôi.
Các trường Ivy League (một trong những danh hiệu đại học hàng đầu ở Mỹ) thì thôi rồi, ông Obama học luật ở trường Harvard mà số tiền nợ sinh viên của ông cao ngất ngưởng, tới lúc vào Thượng viện mà ông vẫn còn nợ.
Ở Mỹ, một người tốt nghiệp học đại học không khéo tính toán thì khoản nợ 200 nghìn USD là không thể tránh khỏi. Nhiều người đã rơi vào cái bẫy này, khiến cho ra một thế hệ những người đi làm trả nợ sinh viên còn nhiều hơn cả trả nợ mua nhà.
Một trường đại học có rất nhiều khoa, và không phải học khoa nào cũng kiếm được nhiều tiền. Vì vậy có nhiều cử nhân có bằng rồi cũng đi làm các nghề không cần bằng cấp.
Ở một nhà máy nơi tôi từng làm việc, có những công nhân có bằng đại học các ngành như truyền thông, triết lý. Tôi có quen một thạc sĩ lịch sử học, cô ấy làm công việc kiểm lâm (park ranger).
Điều đó có nghĩa là tấm bằng đại học không phải là chìa khóa để mở cánh cửa công việc và cơ hội. Thay vào đó, chuyện tấm bằng này thuộc chuyên ngành nào và bạn phải bỏ ra bao nhiêu tiền mới có nó thì quan trọng hơn nhiều. Điều này đúng ở rất nhiều nước trên thế giới.
Các trường đại học có nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm giảng dạy và nghiên cứu. Còn các sinh viên thì chỉ có một nhiệm vụ, đó là học các kỹ năng cần thiết để làm một cái gì đó. Học đại học, nói một cách chính xác, là học nghề cấp cao và chuyện nó có xứng đáng với học phí và công sức bỏ ra hay không tùy thuộc vào chuyện sinh viên làm được gì với tấm bằng.
Việc các học sinh cấp ba của Mỹ đang suy tính về việc có nên học đại học hay không ngày một nhiều. Nhiều cách để giảm học phí, giảm chi phí học đại học càng lúc càng được truyền tụng. Các tân sinh viên giờ đây ở nhà với cha mẹ, học đại học gần nhà, hay vào trường cao đẳng cộng đồng trước, học hai năm rồi chuyển qua đại học bốn năm, tất cả đều nhằm vào mục tiêu giảm khối nợ khổng lồ mang tên khoản nợ sinh viên.
Các chương trình hỗ trợ cho sinh viên nghèo thường bao gồm các gói miễn giảm học phí, và hầu hết đều yêu cầu sinh viên phải có thành tích học tập tốt. Điều đó có nghĩa là sinh viên nghèo mà học hơi kém thì đừng hòng với tới. Kết quả sau cùng vẫn là sinh viên phải mượn nợ mà thôi.
Tuy vậy, học phí đại học ở Mỹ có một đặc điểm, đó là sinh viên lúc vào trường học phí như nào thì vẫn giữ nguyên có tới khi ra trường. Tức là khi vào trường, học phí là 40 nghìn USD thì các năm còn lại vẫn là 40 nghìn USD. Điều này khiến cho sinh viên không bị bất ngờ, hay nói đúng hơn là không bị các trường bắt chẹt.
Nếu bạn vào trường và chuẩn bị chừng này tiền cho học phí, tới giữa chừng học phí lại tăng thì bạn cũng khó mà chuyển trường. Các quy định này tạm gọi là để công bằng cho sinh viên.
Vì sao học phí ở đại học Mỹ lại đắt như vậy? Ngoài chuyện chất lượng giảng dạy ra thì trường đại học ở Mỹ đua nhau nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư thể thao nhằm thu hút sự chú ý của sinh viên. Cái tốt là Mỹ rất mạnh về thể thao, và quãng đời sinh viên luôn là những ngày tháng tươi đẹp.
Còn khoản nợ sinh viên thì không, tới nỗi ông Biden phải tìm cách xóa nợ sinh viên cho nhiều người nhưng vẫn bị tòa án tối cao ngăn cản.
Thực tế, mọi ngành học đều có ứng dụng khác nhau. Có những ngành nhiều cơ hội làm việc, và cũng còn tùy thuộc vào quốc gia hay vùng miền. Có những ngành có thể chuyển đổi sang ngành khác tương đối nhanh, lại cũng có những chuyên ngành rất cao siêu nhưng nhu cầu ít. Vật lý hạt nhân, nghiên cứu thiên văn là những ngành như vậy.
Ngoài việc đó ra, các tân sinh viên còn phải nghĩ tới một điều mà nhiều người chịu nghĩ, đó là mình có phù hợp với chuyên ngành của mình hay không. Nhiều người nhất quyết đi về những ngành hợp thời, thu nhập cao nhưng không phù hợp khả năng, để rồi bằng thì lấy được nhưng không cạnh tranh nổi hay chán nản khi đi làm.
Vì vậy đi học đại học không chỉ đơn giản là thi đậu thì đi học. Thay vào đó, mỗi người nên suy tính cho kỹ để phù hợp với bản thân. Ở đâu cũng vậy, chi tiêu vào cái gì thì cũng nên nghĩ xem mình sẽ mua được những gì, và mình sẽ làm gì với cái sản phẩm mà mình mua về.
Khanh Huỳnh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.