Các cháu luôn vội vàng, thèm ngủ, quên ngược quên xuôi...
Không chỉ con tôi, nhiều gia đình tại TP HCM cũng đảo lộn hết cả giờ sinh hoạt vì học sinh được trường yêu cầu đi học sớm, như một giải pháp để hạn chế ùn tắc giao thông. Thật không công bằng cho trẻ nhỏ, trong khi người lớn đáng lẽ hoàn toàn có thể nghĩ ra các giải pháp khác, tối ưu hài hòa hơn.
Giờ vào lớp hiện tại là 7h hoặc 7h15 phút, nhưng tùy theo quy định của nhà trường, học sinh cần có mặt sớm hơn khoảng 30 phút. Theo đó các em phải dậy từ rất sớm để chuẩn bị mọi thứ, vệ sinh cá nhân, ăn uống, soạn sách vở... Với trẻ em, nếu dậy từ 5 giờ, các em phải đi ngủ từ 21 giờ hàng ngày mới đảm bảo sức khỏe, sự tỉnh táo. Tuy nhiên, ngoài giờ học chính khóa ở trường, học sinh còn được giao bài tập về nhà, đi học thêm... khiến phần lớn trẻ đi ngủ rất muộn, tương tự giờ giấc sinh hoạt của người lớn, thậm chí còn áp lực hơn.
Gây áp lực thời gian học tập lên lứa tuổi học sinh sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, sự phát triển bình thường về thể chất, tâm sinh lý của các cháu. Vì vậy, cải tiến chương trình giáo dục, mà trước mắt là thay đổi thời gian, thời lượng học tập ở trường là điều cần thiết.
Nhìn ra các nước trên thế giới, hầu hết họ không bắt học sinh đến trường sớm. Họ tạo ra môi trường giáo dục tiện nghi, thân thiện như một ưu tiên hàng đầu phục vụ mục đích chăm sóc, nuôi dưỡng cho sự phát triển tốt nhất của học sinh. Ở Thái Lan, trẻ vào học lúc 8h; còn Trung Quốc điểm danh vào 8h5. Năm ngoái, Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng đưa ra những yêu cầu tối thiểu về giờ ngủ đối với học sinh ba cấp: tiểu học nên đi ngủ trước 21h20, trung học cơ sở trước 22h, còn trung học phổ thông trước 23h, vì nhận thấy tầm quan trọng của giấc ngủ đối với thế hệ trẻ.
Tuy vậy, có người nói, nếu cho học sinh đến trường muộn sẽ gây trễ giờ làm việc của phụ huynh, hoặc tăng áp lực ùn tắc giao thông... Đề án lệch giờ học từng được TP HCM áp dụng trong khoảng 10 năm, từ 2006 đến 2017, với quy định: mầm non vào học lúc 7h30, tiểu học và THPT lúc 7h, THCS lúc 7h15. Khi tổng kết đề án, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM có đánh giá chung chung rằng việc điều chỉnh giờ học giữa các trường trên cùng một tuyến đường giúp giảm ùn tắc giờ cao điểm. Tuy nhiên, tôi không thấy báo cáo đánh giá về tác động đối với sức khỏe và thể lực của trẻ.
Tương lai đất nước có phát triển hay không, phụ thuộc vào thế hệ trẻ, vào sức khỏe, trình độ văn hóa, nhận thức của các em. Bắt học sinh phải đến trường sớm, tiếp thu kiến thức nặng nề là làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, ảnh hưởng đến sự xây dựng, phát triển nguồn lực đất nước.
Ở góc độ quản lý vĩ mô, bắt học sinh đi học sớm không thể là một giải pháp chính sách lâu dài và bền vững.
Theo tôi, có thể phân loại các khung giờ lưu thông giao thông theo đối tượng nghề nghiệp. Đầu giờ sáng sẽ có công chức đi làm, công nhân vào nhà máy, có nhân viên văn phòng khối tư nhân... Không nhất thiết duy trì một tiền lệ từ lâu đời, giờ làm việc phải bắt đầu từ 7h30. Mỗi giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội là khác nhau. Thời đại này, con người có nhu cầu và quen với thức khuya hơn, nên phải dậy muộn hơn, do sự phát triển của công nghệ, giải trí và nhu cầu cập nhật kiến thức...
Với học sinh, dẫu biết tùy điều kiện từng gia đình, phụ huynh phải thay nhau đưa đón con cái từ trường học, nhưng cũng cần tính đến một giải pháp khác, ít lệ thuộc. Việt Nam cũng muốn phát triển xe buýt công cộng, vậy có thể bắt đầu bằng việc đưa rước học sinh tại trường học. Các trường quốc tế họ làm được, trường công không có lý do gì không làm được? Trường quốc tế học phí cao, nên họ có kinh phí. Nhưng tôi cho rằng, nhà nước có thể trợ giá và phụ huynh cũng sẽ không ngần ngại chia sẻ, góp một phần chi phí để việc học tập, đưa đón con cái được thuận tiện, an toàn và không làm ảnh hưởng đến công việc của họ.
Xe buýt trường học sẽ góp phần hạn chế ùn tắc giao thông và là giải pháp tốt để lùi giờ vào lớp muộn hơn cho các em. Ngoài ra, nhà trường cũng cần tạo ra các sân chơi dịch vụ, phục vụ học sinh cần đến trường sớm hơn hoặc về nhà muộn hơn để phục vụ nhu cầu cá biệt của một số gia đình.
Lùi thời gian đến trường là hết sức cần thiết, vì phải đặt sức khoẻ, thể chất của thế hệ trẻ như một mục tiêu dân sinh, giáo dục hàng đầu.
Nguyễn Kiều Hưng