Để hai con được ngủ ít nhất 6 tiếng, chị Loan thường yêu cầu bé út lên giường lúc 21h30, anh lớn muộn nhất 23h.
Không đủ thời gian nấu và ăn sáng ở nhà, chị thường mua xôi, bánh mì cho hai con ăn trên đường, hoặc ăn vào giờ ra chơi. "Bữa sáng rất quan trọng. Tôi sợ con không đủ chất nên thường đưa mỗi cháu thêm một hộp sữa tươi", chị Loan nói, cho rằng "giờ vào học hợp lý là 7h30, thậm chí 8h".
Tương tự, để rời nhà lúc 6h20 mỗi ngày, chị Thu Quỳnh (quận 1) gọi hai con dậy từ 5h45 rồi mua đồ ăn sáng trên đường. Con trai lớp 8 của chị thường học tới 23h đêm hôm trước nhưng phải có mặt ở trường THCS Trí Đức trước 6h45 để điểm danh, 7h vào học. Đồ ăn mẹ mua sẽ được nam sinh giữ trong cặp, đợi hết tiết một lúc 7h45 mới ăn.
Đưa con lớn đến cổng trường, chị Quỳnh vòng xe sang trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, cách đó khoảng 500 m, cho bé út ăn sáng ở cổng để kịp vào lớp lúc 7h20. Sau đó, bà mẹ chạy xe đến cơ quan ở quận 5. Quãng đường từ nhà đến trường của ba mẹ con chị Quỳnh khoảng 7 km.
"Ngày nào cũng tất tả. Nếu được lựa chọn, tôi mong giờ vào lớp có thể lùi xuống 7h30", chị Quỳnh nói. Chị cho biết hiện cả hai con không đi học thêm, nhưng năm sau cuối cấp, thời gian học và lượng bài tập nhiều hơn có thể khiến con chị phải thức khuya hơn. Do đó, thời gian ngủ sẽ ít đi.
Theo các phụ huynh, nếu lùi giờ vào lớp khoảng 30 phút, giờ tan học cũng tịnh tiến, muộn hơn 30 phút thì sẽ thuận tiện cho phụ huynh đón con. "Tôi toàn phải trốn làm để đón được con lúc 16h15 - 16h30, sau đó lại đưa con về công ty. Nếu được, tan học lúc 5h chiều là hợp lý", chị Quỳnh nêu ý kiến.
Hôm 19/10, diễn đàn Hội phụ huynh TP HCM trên Facebook đã tổ chức thăm dò ý kiến về giờ vào học buổi sáng của học sinh. 69.700 trong số 79.900 người tham gia khảo sát chọn "8h" (tương đương 88%), 6.100 người (chiếm 7%) chọn 7h30, còn lại 3% bỏ phiếu cho phương án "7h", 2% chọn thời gian khác.
Ông Lê Ngọc Phong, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình (quận 4), nói thông cảm với mong muốn lùi giờ học của phụ huynh, nhưng cho rằng việc này kéo theo nhiều khó khăn cho công tác quản lý.
Theo ông, giờ học 8h thuận tiện cho những phụ huynh vào làm việc lúc 8h, nhưng với công nhân, giờ làm việc phổ biến là 7h-7h30. Vì vậy, nếu lùi giờ học, những phụ huynh không có người trông con vẫn phải đưa đến trường sớm. Trường vẫn phải mở cổng sớm để học sinh vào, phân công giáo viên đến sớm trực, phòng trường hợp xảy ra sự cố. Việc bố trí giáo viên rất phức tạp, theo nhận định của ông Phong, bởi liên quan tới sắp xếp nhân sự, thù lao và các trách nhiệm khác.
Tại trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, học sinh điểm danh lúc 7h và vào tiết một sau đó 15 phút. Các em tan học buổi sáng lúc 10h30, vệ sinh chân tay, mặt mũi để ăn bán trú rồi nghỉ trưa đến 13h30, học chiều từ 14h. Nhiều người cho rằng tổng thời gian ăn và ngủ trưa 3 tiếng là quá nhiều, trong khi phải vào học sớm.
Tuy nhiên, theo ông Phong, để ổn định vị trí sau khi ăn trưa, phải 12h học sinh mới có thể ngủ. Nếu lùi giờ học nửa tiếng (tức 7h30), ông Phong đánh giá "vẫn được" nhưng nếu 8h mới vào tiết một thì thời gian nghỉ trưa của học sinh sẽ bị rút ngắn chỉ còn một tiếng.
"Rất cập rập. Trường tôi gần 600 học sinh còn xoay được, nhưng những trường hơn 1.000 học sinh thì sẽ rất vội", ông nói. Chưa kể, giảm thời gian nghỉ trưa sẽ làm khó các học sinh không bán trú tại trường. Các em có thể chỉ đủ thời gian về nhà ăn cơm, sau đó đi học luôn mà không kịp ngủ.
Hiệu trưởng một trường THCS tại TP HCM cho biết giờ vào học còn liên quan đến tình trạng thiếu trường công lập - vấn đề đang xảy ra tại các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội.
Mỗi năm, TP HCM tăng khoảng 40.000 học sinh, chủ yếu ở bậc tiểu học. Báo cáo tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 cuối tháng 8, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết trường, lớp được xây mới hàng năm vẫn không đáp ứng kịp tốc độ tăng dân số.
Điều này dẫn đến nhiều trường thiếu phòng học, phải mượn của cơ sở khác hoặc bố trí một số khối lớp học sáng, chiều so le nhau. "Với học sinh THCS, một tiết học dài 45 phút, chưa kể ra chơi 5-10 phút. Vào học lúc 7h thì trường mới đủ thời gian dạy 5 tiết buổi sáng", vị này nói.
Ngoài ra, theo các trường, giờ vào học sớm còn để tránh ùn tắc vào giờ cao điểm. TP HCM từng có 10 năm thực hiện đề án lệch giờ học, áp dụng từ năm 2006 đến 2017.
Trong giai đoạn này, mầm non vào học lúc 7h30, tiểu học và THPT lúc 7h, THCS lúc 7h15. Báo cáo tổng kết đề án của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đánh giá việc điều chỉnh lệch giờ học giữa các trường trên cùng một tuyến đường được các đơn vị tham gia khá tốt, giảm ùn tắc giờ cao điểm. Sau năm 2017, dù đề án đã kết thúc, Sở cũng không quy định giờ vào học chung cho cả thành phố, đa số vẫn duy trì khung giờ này.
Vị hiệu trưởng cũng cho rằng ngay cả khi phải dậy lúc 6h để kịp 7h vào lớp, học sinh vẫn có thể ngủ đủ 8 tiếng nếu lên giường lúc 22h. "Vấn đề ở đây là ngoài thời gian học ở trường, nhiều em còn học thêm, 21h mới về, nên ăn uống, làm vệ sinh cá nhân rồi làm bài đến 0h chưa xong, khiến thời gian ngủ nghỉ ít lại", ông nói.
Chị Thu Quỳnh đồng tình với nhận xét này. Người mẹ cho biết mỗi khi đón con, chị nhìn thấy nhiều học sinh đang ăn vội cơm hay bánh mì để kịp giờ học thêm buổi tối. Vì thế, phụ huynh cũng phải có trách nhiệm hơn trong việc sắp xếp thời gian ăn, ngủ, nghỉ cho con cái.
Để hài hòa giữa mong muốn của phụ huynh với định hướng giáo dục, quản lý của trường, Hiệu trưởng Lê Ngọc Phong cho rằng trước khi quyết định giờ vào học, các trường nên khảo sát mong muốn của phụ huynh, lấy ý kiến đa số làm căn cứ. "Ví dụ phụ huynh trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình đa số là công nhân, việc học 7h thuận tiện cho họ đưa đón con. Tuy nhiên, với các khu vực mà phụ huynh bắt đầu giờ làm việc khoảng 8h-8h30 thì trường cũng nên cân nhắc điều chỉnh", ông Phong nói.
*Tên phụ huynh đã được thay đổi
Thanh Hằng