Nằm cách Honolulu khoảng 1.000 km về phía tây bắc, núi lửa Pūhāhonu có nghĩa là "con rùa nổi lên hít khí trời" trong tiếng Hawaii. Không còn hoạt động, hai đỉnh nhỏ nhô khỏi mặt nước còn có tên Gardner Pinnacles.
Nhìn vào Pūhāhonu người ta càng thấy nó nhỏ bé, so với những ngọn núi lửa khác trong cùng một quần đảo như Mauna Kea, Mauna Loa - tất cả đều cao ít nhất khoảng 3.900 m so với mặt biển.
Các nhà khoa học của Đại học Hawaii tại Mānoa đã chứng minh rằng vẻ ngoài khiêm tốn của Pūhāhonu chỉ là giả dối. Một nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Earth and Planetary Science Letters chỉ ra Pūhāhonu là ngọn núi lửa hình khiên lớn nhất thế giới, vượt cả Mauna Loa cao 4.169 m.
Kết quả khảo sát thềm đại dương và tính toán định lượng cho thấy Pūhāhonu, dài 275 km và rộng hơn 90 km, có kích thước gấp đôi Mauna Loa.
"Pūhāhonu vĩ đại", nghiên cứu viết, "đến mức có thể nhấn chìm vỏ Trái Đất".
Michael Garcia, tác giả dẫn đầu nghiên cứu, cho biết: "Quá trình kiến tạo lớp vỏ nhanh chóng khiến nó chìm xuống. Khi một ngọn núi lửa khổng lồ hình thành, lớp bao phủ nóng chảy ra, núi lửa chìm xuống".
Joseph Allen, thuyền trưởng của tàu săn cá voi Maru của Mỹ, lần đầu phát hiện ra Pūhāhonu vào năm 1820, và thủy thủ đoàn của một con tàu Nga là những người đầu tiên đặt chân lên ngọn núi này vào năm 1828. Hiện Pūhāhonu là một phần của Đài tưởng niệm Quốc gia Hàng hải Papahānaumokuākea, được thành lập năm 2006. Dù chỉ là nhà của một loài thực vật biển thân mọng nước, nhưng hòn đảo này là môi trường sống lý tưởng cho vô số loại cá, san hô và côn trùng.
Một nghiên cứu năm 1974 coi Pūhāhonu là ngọn núi lửa lớn nhất trong chuỗi núi ngầm Hawaii-Emperor, dựa trên dữ liệu khảo sát hạn chế. Các nghiên cứu sau này đã đo đạc cả phần ẩn dưới và nhô lên khỏi mặt biển, và kết luận Mauna Loa mới là ngọn núi lửa lớn nhất. Còn những nghiên cứu mới nhất cập nhật kết luận đó, khẳng định danh hiệu núi lửa hình khiên lớn nhất thế giới thuộc về Pūhāhonu.
Không chỉ vĩ đại nhất, Pūhāhonu còn là ngọn núi lửa nóng nhất thế giới, những yếu tố này kết nối với nhau, theo tác giả Garcia.
"Kích cỡ và nhiệt độ song hành cùng nhau. Kích thước lớn thường do magma nóng. Nó sẽ phun trào nhiều hơn nếu nó nóng", Garcia nói.
Phân tích mẫu đá từ Pūhāhonu từng được dùng để tính toán độ nóng của magma - khoảng 1.700 độ C. "Tìm ra ngọn núi lửa hình khiên lớn nhất thế giới vào thế kỷ 21 quả là một phát hiện đáng ngạc nhiên, nhưng sau đó con người lại hiểu bề mặt sao Hoả nhiều hơn những gì tồn tại dưới đại dương Trái Đất. Chúng tôi vẫn đang khám phá nhiều điều chưa biết về hành tinh. Còn rất nhiều điều để tìm hiểu về Trái Đất", Garcia bày tỏ.
Bảo Ngọc (Theo CNN)
Xem thêm