Pon là một trong những ngày hội kỳ lạ nhất thế giới của tộc người trên đảo Java, Indonesia, tổ chức 7 lần một năm. Khi đó, hàng nghìn du khách và người hành hương tụ tập trong một ngôi đền trên ngọn núi thiêng Gunung Kemukus, để tiến hành một nghi thức liên quan đến tình dục.
Những người tham gia phải ngâm mình và tắm trong nước suối để tẩy rửa thân thể, sau đó mỗi người tìm một người lạ để ghép đôi. Cặp đôi sẽ tiến hành quan hệ ngay trong đêm cử hành nghi lễ. Đối tác không được phép là vợ hay chồng của người đó.
Để nhận được may mắn và lời cầu chúc của các vị thần, họ cần phải quan hệ với cùng một người liên tục 7 lần. Do đó, họ sẽ trao đổi số điện thoại và địa chỉ để hoàn thành nốt nghi thức kéo dài suốt 35 ngày. Hầu hết người tham gia là chủ doanh nghiệp hoặc làm kinh doanh. Họ tin rằng nếu thực hiện đủ, công việc làm ăn sẽ ngày một thịnh vượng và thành công.
Chính vì phong tục kỳ lạ này mà Gunung Kemukus còn được gọi là “ngọn đồi tình dục” với trung tâm là ngôi đền Hồi giáo nằm trên đỉnh núi. Tại đây, nam nữ thuộc các ngành nghề khác nhau, không kể tình trạng hôn nhân đều có thể tham gia để cầu may mắn và tiền bạc.
Nhà báo Patrick Abboud của SBS Dateline, người tận mắt chứng kiến ngày hội, đã không thể nén nổi ngạc nhiên khi tại một quốc gia Hồi giáo như Indonesia, nơi ngoại tình bị coi là cấm kỵ lại tồn tại một nghi lễ như thế. Theo ông, ngày hội Pon ra đời dựa theo một truyền thuyết từ thế kỷ 16. Khi ấy, một hoàng tử Indonesia trẻ tuổi đã có quan hệ với mẹ kế. Họ bỏ chạy lên núi rồi bị phát hiện và giết chết khi đang làm “chuyện ấy” ngay trên đỉnh Gunung Kemukus. Từ đó, người dân đảo Java tin rằng nếu hoàn thành hành động này, tiền bạc và may mắn sẽ đến với họ.
Vào thời điểm diễn ra ngày hội, người dân khắp Indonesia đều đổ về đây để xem liệu có thể thay đổi được vận may hay không. Tuy nhiên, họ thường không dễ dàng chia sẻ về câu chuyện, bởi đây thực chất là hành động ngoại tình, quan hệ ngoài hôn nhân và trái ngược với các chuẩn mực Hồi giáo.
“Bạn sẽ không thể bắt gặp nghi thức này tại bất kỳ nơi nào khác ở Indonesia hay phần còn lại của thế giới Hồi giáo. Vào thời gian cao điểm, ngọn đồi tập trung đến 8.000 người một đêm”, Abboud chia sẻ.
Bên cạnh đó, lễ hội này còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với sức khoẻ con người và các bệnh lây lan qua đường tình dục. Theo giáo sư Keontjoro Soeparno, nhà xã hội học đến từ Đại học Gadjah Mada ở Yogyakarta, Indonesia, hơn một nửa phụ nữ hành hương đến núi Kemukus là gái mại dâm.
“Chính vì nghi thức diễn ra trong suốt 35 ngày, nó đã trở thành ngành kinh doanh sinh lợi, kéo theo các tụ điểm karaoke, phòng trọ trá hình hoạt động mạnh mẽ. Lợi nhuận đã làm lu mờ đi các giá trị tôn giáo”, ông nói. “Mặc dù vậy, với những tín đồ sùng đạo, họ vẫn giữ nguyên niềm tin vào lễ hội. Tuy nhiên, nên cẩn thận với những nguy hiểm không thể lường trước. Chúng hoàn toàn có thể xảy ra”.