Tại phòng họp ở trụ sở NATO tại Brussels, Bỉ ngày 15/6, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cùng các chỉ huy hàng đầu của Mỹ ngồi họp cùng phái đoàn Ukraine. Ông Austin chất vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine khi đó là Oleksii Reznikov về quyết định của nước này trong những ngày đầu của chiến dịch phản công quy mô lớn.
Các câu hỏi mà ông Austin đưa ra là tại sao lực lượng Ukraine không sử dụng thiết bị rà phá bom mìn phương Tây cung cấp để mở cuộc phản công quy mô lớn hơn, triển khai các đợt đột kích bằng phương tiện cơ giới hoặc dùng bom khói để ngụy trang. Ông Austin cho rằng quân đội Nga không phải bất khả chiến bại dù phòng thủ phía sau phòng tuyến kiên cố.
Ông Reznikov khi đó nói các chỉ huy quân đội Ukraine là người đưa ra những quyết định trên. Theo ông Reznikov, xe tăng và thiết giáp của Ukraine bị trực thăng, máy bay không người lái (UAV) và pháo binh Nga phá hủy khi nỗ lực tiến công. Ông Reznikov cho rằng nếu không có yểm trợ trên không, lựa chọn duy nhất của Ukraine là pháo kích phòng tuyến của Nga, cho binh sĩ rời xe và đi bộ tiến công.
Washington Post đã phỏng vấn hơn 30 quan chức cấp cao từ Ukraine, Mỹ và các quốc gia châu Âu để tìm hiểu chi tiết sự tham gia sâu của Mỹ vào quá trình lập kế hoạch cho cuộc phản công của Ukraine và các yếu tố khiến nước này thất vọng trước diễn biến chiến sự hiện nay.
Trước chiến dịch phản công, các sĩ quan Ukraine, Mỹ và Anh tổ chức xây dựng 8 kịch bản cho hoạt động này. Tuy nhiên, truyền thông Mỹ đưa tin nước này có thể tính toán sai về khả năng Ukraine chuyển đổi lực lượng vũ trang sang mô hình phương Tây trong thời gian ngắn, đặc biệt khi không quân Ukraine không được trang bị phương tiện tiên tiến.
Các quan chức Mỹ và Ukraine đôi khi bất đồng sâu sắc về chiến lược, chiến thuật và thời gian. Lầu Năm Góc muốn chiến dịch phản công bắt đầu từ tháng 4 để ngăn Nga tiếp tục củng cố phòng tuyến. Trong khi đó, phía Ukraine do dự và khẳng định chưa sẵn sàng nếu không được huấn luyện thêm và nhận thêm vũ khí.
Phía Mỹ cho rằng một cuộc tấn công trực diện, cơ giới hóa nhằm vào phòng tuyến Nga là khả thi với lực lượng và vũ khí sẵn có của Ukraine. Kịch bản lạc quan nhất được vạch ra là lực lượng Ukraine cắt đứt hành lang trên bộ nối bán đảo Crimea với miền tây nước Nga trong 60-90 ngày. Các quan chức Mỹ cho biết diễn tập sa bàn dự đoán giao tranh dữ dội và đẫm máu, Ukraine có thể tổn thất 30-40% thiết bị và binh sĩ.
Tuy nhiên, phía Ukraine lại tin rằng cần tấn công vào ba vị trí khác biệt trên chiến tuyến dài khoảng 1.000 km, hướng về thành phố Melitopol và Berdyansk ở phía nam và Bakhmut ở phía đông. Họ cũng cho rằng chiến tuyến dài như vậy sẽ trở thành vấn đề lớn đối với Nga khi lực lượng nước này bị chia mỏng.
Các quan chức phương Tây nhận thấy cách tiếp cận này có vấn đề, do tiến công trên nhiều hướng sẽ giảm cường độ hỏa lực của Ukraine. Học thuyết quân sự phương Tây luôn đưa ra kịch bản tập trung nỗ lực hướng tới mục tiêu duy nhất.
Tuy nhiên, phía Mỹ sau đó nhượng bộ Ukraine. "Họ biết rõ địa hình và hiểu rõ về Nga", một quan chức cấp cao Mỹ cho biết. "Chúng tôi phải nhượng bộ bởi đây không phải cuộc xung đột của chúng tôi".
Cộng đồng tình báo Mỹ đưa ra quan điểm bi quan hơn quân đội nước này, cho rằng chiến dịch phản công của Ukraine chỉ có tỷ lệ thành công là 50% do Nga đã thiết lập hệ thống phòng tuyến kiên cố nhiều lớp.
Khi thời điểm phát động chiến dịch phản công đến gần, các quan chức quốc phòng Ukraine lo ngại nước này sẽ gánh chịu tổn thất thảm khốc. Trong khi đó, các quan chức Mỹ tin rằng thương vong sẽ còn cao hơn nếu không tung ra một đòn tấn công quyết định.
Trong một cuộc trao đổi vào cuối năm ngoái, sau khi Ukraine giành lại được một số khu vực ở miền nam và đông bắc, ông Austin nói chuyện với tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, đại tướng Valery Zaluzhny và hỏi nước này cần những gì cho một cuộc tiến công vào mùa xuân. Tướng Zaluzhny khi đó trả lời rằng Ukraine cần 1.000 xe bọc thép và 9 lữ đoàn mới được huấn luyện tại Đức.
Một quan chức cho biết ông Austin sửng sốt trước đề nghị của tướng Zaluzhny, cho rằng đây là điều gần như không thể thực hiện. Tuy nhiên, Ukraine cuối cùng đã nhận được 1.500 xe bọc thép, dù một số không đủ điều kiện tham chiến.
"Chúng tôi phải tập hợp tất cả đồng minh và đối tác lại, thực sự gây sức ép để họ cung cấp thêm phương tiện cơ giới", một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ tiết lộ.
Một vấn đề lớn hơn là đảm bảo nguồn cung đạn pháo cho Ukraine để họ đối đầu với lực lượng Nga với kho đạn dược khổng lồ. Lầu Năm Góc tính toán rằng Ukraine cần từ 90.000 viên đạn pháo trở lên mỗi tháng. Bất chấp nỗ lực tăng sản lượng, các công ty Mỹ mỗi tháng chỉ sản xuất được 1/10 con số này.
Giải pháp thay thế nhanh nhất là sử dụng kho đạn chùm 155 mm của quân đội Mỹ, vốn được niêm cất trong nhiều thập kỷ. Ban đầu Mỹ do dự chuyển đạn chùm 155 mm cho Ukraine, song thay đổi quyết định vào ngày 7/7, thời điểm chiến dịch phản công của Ukraine diễn ra được hơn một tháng.
Cuộc phản công được mong chờ từ lâu của Ukraine diễn ra vào đầu tháng 6, một số đơn vị nước này nhanh chóng giành được tiến bộ nhỏ tại tỉnh Zaporizhzhia. Tuy nhiên, tại những nơi khác, phương tiện chiến đấu và những khóa đào tạo của phương Tây không thể bảo vệ hoàn toàn lực lượng Ukraine khỏi hỏa lực Nga.
Khi các đơn vị Ukraine cố gắng tiến lên, họ lập tức đối mặt với sức ép từ chiến thuật của Nga. Đạn súng cối xuyên thủng thiết giáp AMX-10RC của lữ đoàn 47, trong khi pháo binh yểm trợ không hoạt động như mong đợi.
Nằm trong tổn thất của Ukraine vào những ngày đầu của chiến dịch phản công là 20 xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley được Mỹ viện trợ và 6 xe tăng Leopard 2 do Đức chế tạo.
Những tổn thất đó như một tiếng sét vang giữa các sĩ quan tại trung tâm chỉ huy của tướng Zaluzhny, thổi bùng câu hỏi trong đầu họ: liệu chiến lược phản công này có thất bại hay không?
Nguyễn Tiến (Theo WP)