Một hoa tiêu cấp cao giấu tên tại kênh đào Suez của Ai Cập cho biết các chuyên gia hôm nay lên tàu Ever Given đang đậu trên hồ Great Bitter, phía bắc địa điểm mà con tàu bị mắc kẹt trước đó, nhằm tìm kiếm những dấu hiệu hư hại và cố gắng xác định lý do tàu bị mắc cạn.
John Konrad, nhà sáng lập kiêm CEO trang web tin tức vận tải gcaptain.com, cho rằng Ever Given, một trong những tàu hàng lớn nhất thế giới với chiều dài 400 m, có thể đã bị thiệt hại đáng kể do mắc kẹt nhiều ngày giữa kênh đào, chở theo khoảng 20.000 container.
"Tính toàn vẹn của cấu trúc tàu là quan trọng nhất. Bạn biết đó, đã có rất nhiều sức ép lên con tàu khi nó bị võng xuống trên mặt nước. Họ phải kiểm tra mọi thứ để tìm các vết nứt, đặc biệt là bánh lái và chân vịt ở phía sau được kết nối với buồng máy", Konrad cho hay.
"Sau đó, họ phải kiểm tra toàn bộ thiết bị cơ khí, động cơ, các van an toàn, rồi xác định liệu con tàu có thể tự đi an toàn đến cảng tiếp theo, hoặc với tàu kéo hộ tống hay không", chuyên gia nói thêm.
Shoei Kisen Kaisha, công ty Nhật sở hữu Ever Given, hôm nay cho biết đây sẽ là một phần của cuộc điều tra cùng với các bên khác, nhưng không nêu cụ thể gồm những bên nào. Họ cũng từ chối bình luận về những nguyên nhân có thể đã dẫn đến vụ mắc cạn, như vận tốc tàu và gió lớn trong bão cát, giải thích rằng họ không thể phát ngôn khi cuộc điều tra đang diễn ra. Thông tin ban đầu cho rằng tàu đã bị sập nguồn điện, nhưng người phụ trách kỹ thuật tàu đã phủ nhận.
Việc tàu Ever Given mắc kẹt gần một tuần trên kênh Suez, tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới nối Biển Đỏ và Địa Trung Hải, khiến hàng trăm tàu khác bị tắc nghẽn, đã gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi ngày với thương mại hàng hải. Giới phân tích dự đoán có thể mất ít nhất 10 ngày nữa để giải quyết các vấn đề tồn đọng, dù chính phủ Ai Cập nói rằng chỉ mất ba ngày rưỡi.
Các chuyên gia trong ngành cho biết chủ sở hữu và công ty bảo hiểm của tàu Ever Given có thể đối mặt những yêu cầu bồi thường lên đến hàng triệu USD, vì gây thiệt hại doanh thu và gián đoạn hành trình của những tàu khác. Tuy nhiên, công ty Nhật Bản Shoei Kisen Kaisha cho hay họ chưa nhận khiếu nại hoặc đơn kiện đòi bồi thường nào.
"Chúng tôi cho rằng sẽ có một cuộc điều tra chi tiết, giúp xác định nguyên nhân. Rõ ràng nguyên nhân sẽ ảnh hưởng đến trách nhiệm pháp lý của con tàu và lợi ích hàng hóa", công ty cho hay.
Ánh Ngọc (Theo AP)