Sau đợt mưa lũ bất thường cuối tháng 3 đầu tháng 4, Quảng Nam trời tạnh ráo, biển động, sóng cao 2-4 m. Ông Long không thể chèo thuyền thúng đánh bắt cá, cua ghẹ như mọi khi nên chọn cách thả lưới gần bờ. Mang theo tấm lưới đến bờ biển xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, ông buộc cuộn dây thừng dài hơn 300 m vào một đầu lưới, vượt qua từng con sóng, dần thả xuống biển.
Mỗi đợt sóng tấp bờ lại cuốn tấm lưới ra xa, nhưng vẫn trong sự kiểm soát của lão ngư thông qua cuộn dây thừng. Lưới dịch chuyển liên tục nên ông Long cũng luôn tay, luôn chân. Sóng đưa lưới ra ông thả dây, sóng đưa vào bờ thì cuốn lại. "Quá trình kéo phải dựa vào thế, sóng đi ra giữ lại, sóng ập vào nhanh chóng thu dây vì lưới ở dưới nước rất nặng", lão ngư chia sẻ kinh nghiệm.
Chừng 30 phút giằng co với sóng biển, ông Long đưa được lưới vào bờ. Đặt trên bãi cát, ông lần lượt gỡ cá khỏi mắt lưới, thu hơn một kg các loại cá đuối, ken, đù, chim... Mớ cá tươi rói đủ làm thức ăn cho gia đình ông những ngày biển động. Nếu đem bán, ông Long có thể kiếm được hơn 100.000 đồng.
Nghề thả lưới gần bờ chính vụ là cuối tháng 8 đến tháng 12 âm lịch, nhưng năm nay tháng 3 thời tiết bất thường, biển động, nhiều loài cá vào bờ săn mồi. Bờ biển xã Tam Thanh dài gần 10 km là nơi đánh cá của nhiều ngư dân. Mỗi người đứng cách nhau vài trăm mét buông lưới. Vốn đầu tư không nhiều, tấm lưới mua về gia công hết một triệu đồng và 300.000 đồng tiền dây thừng.
Cũng đánh bắt trên bờ biển xã Tam Thanh, anh Lê Thang Long (29 tuổi, xã Tam Thanh) cho biết ngày biển êm anh theo tàu thuyền ra biển bắt cua, ghẹ. Hôm nay biển động, anh lội ngập đến bụng buông lưới kiếm cá.
Đã quen với cái lạnh của sóng và gió biển, anh khéo léo điều chỉnh dây thừng, không để dây quá chùng do sóng đẩy vào, cũng không để quá căng theo sức nước lôi ra. Khi đó, cá mới mắc vào mảnh lưới đang chìm dưới nước.
Sau hai giờ vật lộn với nước biển, lúc tấm lưới nằm cách bờ khoảng 30 m, anh Long bắt đầu thu vào. Thả cuộn dây xuống cát, anh lại dầm mình trong nước biển, gom lưới vào bờ gỡ được hơn một kg cá.
Thả lưới ven bờ mùa biển động đòi hỏi ngư dân có kinh nghiệm. Nước chảy mạnh, đưa tấm lưới di chuyển nhiều thì bắt được nhiều cá. "Nhưng công việc này cũng may rủi. Có hôm gặp đàn cá mắc dày lưới, có hôm chỉ được vài con không đủ bữa ăn", anh Long nói.