Sớm 9/3, ông Tân, 52 tuổi, trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, đi xe máy gần 20 km từ nhà tới bãi biển xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên. 5h, trời vẫn chưa tỏ mặt người, ông đưa thuyền thúng ra mép nước bắt đầu một ngày mưu sinh.
Thuyền gắn máy, chứa tấm lưới dài gần 1.000 m, cao 2 m, mắt lưới 2 cm. Khi cách bờ khoảng 2 km, ông Tân quan sát xem nơi nào nhiều bong bóng nước nổi lên thì dùng chân chèo thuyền, hai tay buông lưới tạo thành đường thẳng trên biển.
8h, ông gom lưới, nổ máy lái thuyền thúng vào bờ. Sau 20 phút gỡ cá đầy rổ, ông mang ra bờ biển rửa sạch và cho vào thùng xốp, ướp đá lạnh bảo quản. Công việc tiếp tục đến 13h, ông Tân mới gỡ hết tấm lưới với thành quả gần một tạ cá sòng, bán 30.000 đồng mỗi kg.
Bờ biển Duy Hải dài khoảng 5 km, mùa này sóng ít nên ông Tân đến đây đánh bắt. "Hôm nào trời nắng đẹp, ít gió, cá xuất hiện nhiều. Những ngày biển động, trời mưa lớn hoặc gió mạnh thì hầu như không có", ông chia sẻ.
Cũng đánh bắt cá sòng, ông Nguyễn Năm, 60 tuổi, xã Duy Hải cùng 12 người kéo lưới rùng. Tấm lưới dài 500 m, phía trên kết phao, phía dưới kẹp chì, ở giữa có một túi, tất cả được cho lên thuyền thúng, chạy cách bờ khoảng một km thì thả xuống. Hai đầu lưới được nối dây trên bờ.
Mất 30 phút, khi tấm lưới thả xuống chạy song song với bờ biển thì thuyền cập bờ, nhóm lao động chia mỗi người một việc. Mỗi đầu lưới được buộc dây và 6 người phối hợp nhịp nhàng kéo.
Ông Năm cho hay, tấm lưới xuống nước gặp con sóng cùng khối chì của lưới nên nặng cả tấn. Quá trình kéo phải kết hợp nhuần nhuyễn tạo ra lực đồng đều. Mỗi người buộc một vòng dây vào bụng sau đó nối vào dây lưới, mục đích giữ cho lưới không bật ra ngoài khi sóng xô.
Canh lúc con sóng xô vào bờ, nhóm ngư dân đứng trên đất liền kéo lưới đi vào, sóng đẩy ra thì giữ lại. Sau hai giờ vật lộn với nước biển, tấm lưới nằm cách bờ khoảng 100 m thì ngư dân bắt đầu gom lại thành một vòng tròn. Những người đàn ông khỏe mạnh lội ra nơi nước ngang bụng gom lưới ngăn cá thoát ra ngoài. Khi lưới thu lại còn 30 m2, cá nằm phía trong chao lượn tìm cách thoát ra ngoài, tuy nhiên phía đáy chì đã bịt lối, phía trên phao nổi lên mặt nước ngăn lại.
Hai người được phân công ghép đáy lưới, hai người ghép phao lưới để khóa chặt, số người còn lại nhẹ nhàng kéo vào bờ. Túi lưới được đưa vào bờ đựng gần một tạ cá sòng và nhiều loại khác như chim, nhồng...
Cá sòng thường xuất hiện theo đàn, lúc gặp may kéo trúng luồng được vài tạ. Thức ăn của cá sòng là tép biển, mùa này tép vào gần bờ sinh sống nên chúng vào săn mồi, đánh bắt được nhiều, ông Năm cho biết.
Cá sòng có tên khoa học Trachurus, là một chi trong họ cá khế, nhìn giống cá bạc má, thân hơi dẹp, hình lá trầu, có màu nâu trắng, con lớn nhất cỡ trên một kg, con nhỏ thường bằng cán dao. Cá sòng da vảy bóng nhẫy, mắt trong, ít tanh, giàu chất dinh dưỡng, thịt ngọt. Cá có thể chế biến nhiều món ăn như kho ngọt với dứa, nướng chấm muối tiêu chanh, nấu canh chua...